NGỪNG TIM ĐỘT NGỘT: DẤU HIỆU NHẬN BIẾT, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH CẤP CỨU KỊP THỜI

21/04/2025 | 31 |
0 Đánh giá

Ngừng tim thường xảy ra ở người lớn, tuy nhiên trẻ em cũng không nằm ngoài nguy cơ. Tình trạng này có thể xảy ra đột ngột hoặc sau khi xuất hiện một số triệu chứng cảnh báo. Nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách, ngừng tim sẽ nhanh chóng dẫn đến tử vong, bởi tim ngừng bơm máu đồng nghĩa với việc não và các cơ quan quan trọng không còn được cung cấp oxy.

NGỪNG TIM LÀ GÌ?

Ngừng tim là tình trạng tim đột ngột mất chức năng hoạt động, có thể xảy ra ở cả những người đã hoặc chưa được chẩn đoán mắc bệnh tim. Tình trạng này thường xảy ra bất ngờ, có thể có hoặc không có dấu hiệu cảnh báo trước. Khi tim ngừng đập, tuần hoàn máu bị gián đoạn hoàn toàn, khiến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể nhanh chóng rơi vào tình trạng thiếu máu cấp. Người bị ngừng tim sẽ mất ý thức, ngừng thở, mất phản xạ và có thể tử vong chỉ trong vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời.

DẤU HIỆU NGỪNG TIM CÓ THỂ NHẬN BIẾT

Hầu hết các trường hợp ngừng tim xảy ra do các rối loạn nhịp tim, bao gồm:

  • Rối loạn nhịp nhanh như nhanh thất, rung thất hoặc nhịp chậm như block nhĩ thất, ngưng xoang.
  • Đột ngột ngã quỵ với những dấu hiệu điển hình như mất ý thức, không đáp ứng với kích thích, không thở hoặc chỉ thở ngáp cá, và mất mạch.

KHI NÀO CẦN GỌI BÁC SĨ?

Nếu bạn hoặc người thân xuất hiện các triệu chứng sau đây, cần gọi cấp cứu ngay hoặc nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời:

  • Đau ngực hoặc cảm giác khó chịu vùng ngực
  • Hồi hộp, đánh trống ngực
  • Thở khò khè, cảm giác hụt hơi
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Xỉu hoặc ngất đột ngột

CÁCH XỬ TRÍ KHI PHÁT HIỆN NGƯỜI BỊ NGỪNG TIM

Khi thấy một người bất tỉnh, không thở và nghi ngờ ngừng tim, cần bình tĩnh và nhanh chóng thực hiện các bước cấp cứu sau:

  • Gọi ngay cấp cứu 115 hoặc dịch vụ cấp cứu địa phương để được hỗ trợ y tế kịp thời.
  • Đảm bảo an toàn cho nạn nhân bằng cách đưa họ ra khỏi khu vực nguy hiểm (nếu có) và để nằm trên mặt phẳng chắc chắn.
  • Kiểm tra tình trạng hô hấp và mạch của nạn nhân. Nếu người bệnh không thở, không có mạch, cần khẩn trương thực hiện cấp cứu.

Thực hiện hồi sức tim phổi (CPR):

  • Ép ngực mạnh và nhanh vào giữa lồng ngực, độ sâu ít nhất 5cm.
  • Tốc độ ép từ 100–120 lần/phút.
  • Sau mỗi lần ép, để lồng ngực trở lại vị trí ban đầu.

Tiếp tục ép ngực liên tục cho đến khi nạn nhân có dấu hiệu thở lại, cử động hoặc có nhân viên y tế đến hỗ trợ.

Lưu ý: Khi gọi cấp cứu, người thực hiện cần cung cấp rõ ràng các thông tin:

  • Địa điểm xảy ra sự cố
  • Số lượng nạn nhân
  • Hoàn cảnh xảy ra tai nạn
  • Tình trạng hiện tại của bệnh nhân

NGUYÊN NHÂN GÂY TIM NGỪNG ĐẬP

Ngừng tim thường do các rối loạn nhịp tim nguy hiểm như nhanh thất, xoắn đỉnh, rung thất, ngưng xoang, blốc nhĩ thất... Những rối loạn này có thể bắt nguồn từ các bệnh lý tim mạch về cấu trúc, chức năng hoặc cả hai. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Bệnh động mạch vành: Thiếu máu cơ tim cấp hoặc sẹo cơ tim sau nhồi máu làm rối loạn dẫn truyền điện trong tim.
  • Bệnh cơ tim: Đặc biệt là bệnh cơ tim phì đại và cơ tim giãn, làm thay đổi cấu trúc tim, dễ gây loạn nhịp.
  • Bệnh van tim: Như sa van hai lá, hẹp van động mạch chủ làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu và hoạt động điện học của tim.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc điều trị tim, đặc biệt là thuốc lợi tiểu (gây rối loạn điện giải) hoặc thuốc chống loạn nhịp có thể làm thay đổi hoạt động điện của tim.
  • Bất thường bẩm sinh về điện học: Như hội chứng kích thích sớm, hội chứng QT kéo dài – là nguyên nhân phổ biến gây ngừng tim đột ngột ở trẻ em và thanh thiếu niên.
  • Viêm cơ tim và các bệnh tim bẩm sinh: Những tình trạng này làm tổn thương cơ tim và tăng nguy cơ rối loạn nhịp nguy hiểm.

BIẾN CHỨNG SAU KHI PHỤC HỒI THÀNH CÔNG CƠN NGỪNG TIM

Dù được hồi sức kịp thời và cứu sống, nhiều bệnh nhân vẫn phải đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng sau cơn ngừng tim. Mức độ biến chứng phụ thuộc vào thời gian tim ngừng đập và hiệu quả của quá trình cấp cứu. Có tới gần 90% người sống sót sau ngừng tim gặp phải tổn thương não do thiếu oxy, gây ảnh hưởng lớn đến chức năng nhận thức và khả năng sinh hoạt hằng ngày.

Một số biến chứng thường gặp bao gồm:

  • Thất điều: Gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và điều phối động tác.
  • Khó tập trung, hay quên, mệt mỏi, yếu cơ.
  • Rối loạn chức năng ngôn ngữ: Nói khó, nuốt khó.
  • Rối loạn thị lực, động kinh, đột quỵ.
  • Trường hợp nặng: Bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê và sống trong trạng thái thực vật.

Ngoài ra, trong quá trình hồi sức tim phổi (CPR), người bệnh có thể bị chấn thương như gãy xương sườn, tràn khí màng phổi hoặc tổn thương ở vùng bụng. Những biến chứng này cần được theo dõi và điều trị kịp thời để tối ưu hóa khả năng phục hồi cho người bệnh.

Khi bị ngừng tim, tim ngừng hoạt động và mất chức năng bơm máu một cách đột ngột, khiến các cơ quan trong cơ thể – đặc biệt là não – không còn nhận được máu giàu oxy. Hậu quả là người bệnh nhanh chóng mất ý thức, hô hấp trở nên bất thường và có thể tử vong chỉ sau vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách. Chính vì vậy, việc trang bị kiến thức về dấu hiệu nhận biết ngừng tim cũng như kỹ năng hồi sức tim phổi (CPR) là điều vô cùng cần thiết với mỗi người. Liên hệ trực tiếp qua số hotline 0915.045.115 hoặc truy cập trang web https://medicbinhduong.vn/ để được tư vấn.


(*) Xem thêm:

Bình luận