KHÀN TIẾNG KÉO DÀI - NGUYÊN NHÂN VÀ HƯỚNG ĐIỀU TRỊ

13/12/2022 | 7026 |
0 Đánh giá

KHÀN TIẾNG là triệu chứng thường gặp trong các bệnh lý hầu họng. Khàn tiếng biểu hiện tình trạng khô sưng hay mất sự linh hoạt của dây thanh âm, khiến giọng nói không được trong như bình thường. 

Khàn tiếng trên 2 tuần được gọi là kéo dài, có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân lành tính thường gặp là do sử dụng giọng nói qua mức như ca sĩ, giáo viên, hay la hét thường xuyên; các trường hợp viêm thanh quản, u nang hay polyp dây thanh, dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản,...

Thanh quản là bộ phận giúp chúng ta phát ra tiếng nói nhờ vào luồng hơi đi ra, đi vào kết hợp với sự rung động của hai dây thanh. Các tổn thương ở thanh quản hầu hết xuất hiện do sự tác động lực quá mức phục hồi khi sử dụng giọng nói, hay hậu quả của các bệnh lý tai mũi họng, phế quản có liên quan hoặc do tiếp xúc với các chất độc hại. Khi các tế bào vùng thanh quản bị tổn thương, có thể gây nên tình trạng tăng sinh mất kiểm soát và hình thành nên các khối u.

Khàn tiếng thường xảy ra khi hò hét, nói quá nhiều hoặc khi bạn bị viêm họng. Nhưng nếu khàn tiếng không rõ nguyên nhân và kéo dài trên 2 tuần thì đó có thểlà dấu hiệu cảnh báo một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, ví dụ như ung thư thanh quản và bạn cần đến bệnh viện để thăm khám

 

Viêm thanh quản mạn tính 

Chẩn đoán xác định

  • Khàn tiếng trên 3 tuần, ho khan
  • Niêm mạc họng thanh quản tiết nhày
  • Dây thanh dày mất bóng đôi khi có bờ răng cưa, mạch máu nổi, sung huyết, có thể có hạt xơ…


Các thể lâm sàng.

  • Phù Reinke: Do khoảng Reinke có cấu trúc lỏng lẻo nên dịch viêm tích tụ làm phù nề một hoặc cả hai bên dây thanh, giống như dạng polyp. Bệnh nhân khàn tiếng nặng, kéo dài, tăng dần.
  • Hạt xơ dây thanh: VTQ mạn tính tái phát hoặc phát triển thành hạt xơ dây thanh. Hạt xơ là loại u nhỏ bằng hạt tấm nhỏ, đường kính khoảng 1mm, mọc ở bờ tự do của dây thanh ở vị trí 1/3 trước và 1/3 giữa của hai dây thanh. Khi phát âm hai hạt xơ ở hai bên dây sẽ tiếp xúc với nhau làm cho dây thanh ở phía trước và phía sau không thể tiếp xúc được gây ra khàn tiến

Nguyên tắc điều trị

  • Hạn chế sử dụng giọng khi điều trị bệnh.
  • Điều trị tại chỗ: các thuốc giảm viêm, giảm phù nề như: corticoid, men tiêu viêm…
  • Điều trị toàn thân: bằng thuốc giảm viêm, giảm phù nề như: corticoide, men tiêu viêm…
  • Điều trị các ổ viêm mũi họng, viêm xoang, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản và các bệnh toàn thân khác.
  • Liệu pháp luyện giọng.
  • Phẫu thuật khi điều trị nội khoa không hiệu quả, VTQ có hạt xơ dây thanh, phù Reinke gây khó thở.

 

U thanh quản

U thanh quản có rất nhiều dạng khác nhau, phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên. Song có thể chia thành u lành tính và u ác tính. Đối với khối u lành tính, không cần quá quan ngại vì ngoài ảnh hưởng do kích thước khối u thì không có tổn hại nào khác tới sức khỏe. Song với khối u ác tính bạn cần được điều trị càng sớm càng tốt bởi đây là dấu hiệu của ung thư thanh quản, rất dễ di căn và ảnh hưởng tới tính mạng nếu không chữa từ giai đoạn đầu.


U thanh quản lành tính

Các u thanh quản lành tính chủ yếu xuất hiện khi người bệnh lạm dụng giọng nói quá mức và trong một thời gian dài khiến tế bào thanh quản tổn thương. Các dạng u thanh quản lành tính có thể gặp là papillomas, u xơ, u sụn, u máu, u xơ thần kinh,… các u này có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên thanh quản. Trong đó dạng u thanh quản papillomas và u thần kinh có thể tiến triển thành u ác tính nếu không được điều trị kịp thời.

Các triệu chứng điển hình của u thanh quản lành tính gồm có: khàn giọng kéo dài hoặc thường xuyên tái phát; người bệnh thường bị hụt hơi khi phải nói liên tục; có thể xuất hiện các cơn đau lan lên tai hoặc ho ra máu.

Thông thường, để ngăn chặn các khối u thành quản này, bác sĩ sẽ chẩn đoán và có thể chỉ định phẫu thuật loại bỏ các khối u. Tuy nhiên, việc phẫu thuật loại bỏ sẽ không giải quyết triệt để vấn đề, các u này có thể tái phát khi người bệnh lạm dụng giọng nói quá nhiều, thường xuyên bị các bệnh lý về tai mũi họng,….

 

 

U thanh quản ác tính

Hiện nay, bệnh ung thư thanh quản được thống kê là bệnh lý chiếm 20% trong các bệnh ung thư. Nguyên nhân chính xác của việc hình thành các khối u vẫn chưa được xác định. Bệnh phát triển qua bốn giai đoạn. Tỷ lệ điều trị thành công càng cao khi được phát hiện sớm ở những giai đoạn đầu.


Giai đoạn 1: Các u thanh quản hình thành và thường xuất hiện ở khu vực thượng thanh môn, thanh môn hoặc hạ thanh môn. Lúc này các khối u vẫn di động và cần sàng lọc khi phát hiện để biết chúng có phải u ác tính hay không. Điều trị giai đoạn này, tỷ lệ khỏi bệnh tới 90%.

Giai đoạn 2: Các u thanh quản có sự thay đổi vị trí, tăng dần kích thước. Dây thanh quản lúc này không di động được nữa. Người bệnh sẽ cảm nhận được giọng nói bị khàn, cảm giác hơi đau, nghẹn vùng thanh quản, và thậm chí thường xuyên xảy ra hiện tượng mất tiếng.

Giai đoạn 3: Các u thanh quản ác tính lan rộng và tăng dần kích thước.

Giai đoạn 4: Các u thanh quản bắt đầu di căn tới các cơ quan khác trong cơ thể. Ở giai đoạn này, khả năng điều trị thành công là rất thấp.
Đối với điều trị u thanh quản ác tính, phương pháp sử dụng hiện nay là phẫu thuật và xạ trị. Tuy nhiên, xạ trị không đồng nghĩa với việc sẽ khỏi bệnh hoàn toàn. Việc điều trị có thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào yếu tố chăm sóc đúng cách, chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi khoa học, tinh thần của người bệnh, khả năng đáp ứng thuốc của cơ thể người bệnh trong quá trình điều trị,….

 

 

Chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa u thanh quản

Với cả u thanh quản lành và ác tính đều gây ra những bất lợi cho cơ thể, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng khi không may bị u ác tính. Chính vì thế, để phòng ngừa, chúng tôi khuyên bạn nên duy trì thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ 1 lần và thực hiện tầm soát ung thư ít nhất 1 năm/ lần.

Bên cạnh đó, việc ý thức chế độ ăn uống, sinh hoạt một cách khoa học, hợp lý là vô cùng cần thiết để giảm thiểu tối đa nguy cơ phát triển ung thư nói chung và ung thư thanh quản nói riêng. Ngoài ra, bạn cần bảo vệ giọng nói của mình, không lạm dụng giọng nói làm tổn thương thanh quản; chủ động bảo vệ tai mũi họng luôn được khỏe mạnh.

Lưu ý, cần đi khám ngay nếu các bạn nhận thấy những bất thường sau đây:

» Ho, khàn tiếng kéo dài.

» Bị khàn giọng ngay cả khi không mắc bệnh tai mũi họng.

» Hụt hơi, mất hơi và nhanh bị mệt khi nói.

» Luôn có cảm giác vướng, nghẹn ở vùng cổ.

» Có hiện tượng sụt cân nhanh.

 

BS. CKII Lê Vĩnh Thanh Hải


(*) Xem thêm:

Bình luận