SỎI THẬN

15/07/2019 | 2029 |
0 Đánh giá

Sỏi thận là hiện tượng các thành phần chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại tại thận, kết tinh lớn dần theo thời gian tạo thành sỏi.

Sỏi thận là bệnh đường tiết niệu thường gặp nhất. Sỏi có thể ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiểu như thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo nam giới (niệu đạo nữ giới rất ngắn nên không tạo sỏi). Sỏi thận có biểu hiện khá đa dạng, từ việc âm thầm gây thận ứ nước không triệu chứng đến tình trạng đau quặn bụng phải đi cấp cứu. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến suy thận tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Nếu kích thước nhỏ, viên sỏi có thể bị rớt ra ngoài theo đường tiểu, tạo ra sỏi niệu quản, sỏi bàng quang ... Nếu kích thước lớn, viên sỏi có thể bị kẹt trong đài thận, gây tắc nghẽn, làm giãn đường niệu hoặc gây ra cơn đau quặn thận.

 

Có năm loại thành phần hóa học chính cấu thành nên sỏi thận là canxi oxalate, canxi photphate, struvite, axit uric và cysteine. Trong đó, các sỏi thận có thành phần hóa học canxi oxalate là phổ biến nhất, chiếm hơn 70% các loại sỏi.

 

 

 

 

Sỏi thận thường được hình thành khi lượng nước tiểu quá ít hay nồng độ các chất khoáng kể trên trong nước tiểu tăng cao, lắng đọng lại ở thận lâu ngày.

 

» Uống nước không đủ (thường < 2 lít / ngày), đặc biệt ở những người có công việc lao động nặng nhọc, đổ mồ hôi nhiều nhưng lại hay quên uống nước, làm cho nước tiểu bị cô đặc quá mức, nồng độ các tinh thể trở nên bão hòa trong nước tiểu.

 

» Các trường hợp dị dạng bẩm sinh (như túi thừa trong bàng quang) hay mắc phải tại đường tiết niệu (như phì đại tiền liệt tuyến ở nam giới) làm cho nước tiểu không thoát ra được, ứ đọng lại lâu dần tạo thành sỏi thận.

 

» Nằm một chỗ sau chấn thương nặng.

 

» Tình trạng nhiễm trùng vùng sinh dục tái đi tái lại nhiều lần, làm cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm đường tiết niệu tái phát dai dẳng, tạo ra mủ và lắng đọng các chất bài tiết, hình thành nên sỏi thận.

 

» Chế độ ăn uống không hợp lý nhưnhiều oxalate (trong củ dền, cà rốt, cải trắng, khoai …), hoặc dùng lâu dài một số loại thuốc (như acetazolamide, thuốc lợi tiểu quai, thiazide, glucocorticoid, theophyline, vitamin D, vitamin C...).Thói quen ăn mặn, ăn nhiều dầu mỡ làm tăng thể tích tuần hoàn cũng góp phần làm cho các chất khoáng được lọc qua thận nhiều hơn làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận.

 

 

 

 

Những người bị sỏi thận thường có các biểu hiện kích thích co thắt đường tiết niệu, gây tăng áp lực đột ngột ở vị trí đài bể thận, dẫn đến cơn đau quặn thận tại vùng hông lưng hoặc vùng dưới mạn sườn hai bên, có thể lan xuống mặt trong bắp đùi hoặc cơ quan sinh dục (tinh hoàn). Trong một số trường hợp khác, sỏi thận di chuyển từ niệu quản tới bàng quang hoặc từ bàng quang tới niệu đạo (đoạn cuối cùng trước khi tống nước tiểu ra ngoài) sẽ gây đau buốt khi đi tiểu. Khi đó, người bệnh sẽ có cảm giác buồn tiểu, tiểu lắt nhắt nhiều lần, thậm chí là tiểu ra máu. Ngoài ra, sỏi thận cũng rất dễ dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu., làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng ngược dòng và suy thận mạn tính không phục hồi.

 

 

PGS. TS. BS Nguyễn Thị Lệ


(*) Xem thêm:

Bình luận