BỆNH GLAUCOMA (CƯỜM NƯỚC) VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

14/03/2020 | 6157 |
0 Đánh giá

Với tỉ lệ người mắc bệnh Glaucoma (miền Nam gọi là cườm nước, miền Bắc gọi là thiên đầu thống) hay chứng tăng nhãn áp ngày càng tăng cao và là nguyên nhân xếp thứ 2 gây ra mù lòa chỉ sau đục thủy tinh thể, Glaucoma được các chuyên gia y tế ví von là “Kẻ giấu mặt thầm lặng” hay “Kẻ cướp thị lực thầm lặng.”

Glaucoma thường xảy ra khi chất lỏng trong mắt không thể thoát ra ngoài, làm tăng áp lực bên trong mắt và gây áp lực lên dây thần kinh thị giác. Bệnh khá phổ biến, tuy nhiên bệnh không có triệu chứng trong giai đoạn đầu, vì thế rất khó nhận ra. Chứng tăng nhãn áp có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng phổ biến nhất ở người lớn ở độ tuổi 70 và 80.

GLAUCOMA LÀ GÌ ?

Glaucoma là một nhóm các bệnh gây tổn thương không hồi phục thần kinh thị giác và có thể dẫn đến mất thị lực và mù lòa. Các dây thần kinh thị giác là một bó với hơn 1 triệu sợi thần kinh có nhiệm vụ kết nối võng mạc vào não. 

Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và   điều trị đúng có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, bệnh nhân có thể tránh khỏi mất thị lực và thị trường nghiêm trọng.

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY RA GLAUCOMA ?

Bệnh Glaucoma không có nguyên nhân rõ ràng nhưng có liên quan đến sự tăng áp lực trong mắt và/hoặc giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng dây thần kinh thị giác.

Điều này có thể do bẩm sinh hoặc do tổn thương bên trong mắt. Tăng áp suất thủy dịch có thể dẫn tới bệnh Glaucoma tuy nhiên không phải ai cũng bị Glaucoma khi mắc chứng tăng áp suất thủy dịch.

  • Tuổi > 40
  • Tiền sử gia đình trong gia đình có người bị Glaucoma
  • Sử dụng Corticoid trong thời gian dài
  • Tiền sử bệnh Tiểu đường, Tim mạch, Tăng huyết áp…
  • Có tật khúc xạ (Cận thị, viễn thị)
  • Có tiền sử chấn thương mắt hoặc đã có phẫu thuật về mắt, nhất là các phẫu thuật nội nhãn…

PHÂN LOẠI BỆNH GLAUCOMA

 Glaucoma góc mở

» Đây là hình thức phổ biến nhất của bệnh Glaucoma. Người bị bệnh Glaucoma góc mở bị tắc nghẽn không hoàn toàn ở góc thoát thuỷ dịch của mắt khiến tăng áp suất mắt.

» Điều này lâu ngày sẽ khiến các dây thần kinh thị giác bị tổn thương. Quá trình này diễn ra từ từ và không gây đau đớn. Điều này khiến bệnh nhân khó nhận biết được triệu chứng bệnh.

 Glaucoma góc đóng

» Glaucoma góc đóng hay tăng nhãn áp góc đóng hay dân gian gọi là thiên đầu thống. Bệnh xảy ra khi góc thoát thuỷ dịch của mắt bị đóng hoàn toàn.

» Điều này khiến cho mắt bị gia tăng áp suất đột ngột, rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Người bị Glaucoma góc đóng thường đau mắt, đau đầu, xuất hiện quầng sáng xung quanh khi nhìn vào bóng đèn, buồn nôn… Khi gặp phải các triệu chứng này, cần đưa người bệnh đi đến bệnh viện ngay.

TRIỆU CHỨNG BỆNH GLAUCOMA

Trong giai đoạn đầu, bệnh tăng nhãn áp không có triệu chứng, không gây đau, tầm nhìn vẫn bình thường. Chứng tăng nhãn áp có thể phát triển ở một hoặc cả hai mắt.

Nếu không điều trị, người bị tăng nhãn áp sẽ dần dần mất đi tầm nhìn ngoại vi, giống như đang nhìn qua một đường hầm. Theo thời gian, tầm nhìn thẳng về phía trước có thể giảm xuống cho đến khi không còn tầm nhìn.

CÁCH PHÁT HIỆN CƯỜM NƯỚC

  Kiểm tra thị lực. Thử nghiệm biểu đồ mắt giúp đo lường mức độ bạn nhìn thấy ở những khoảng cách khác nhau.

  Kiểm tra khả năng nhìn ngoại vi: kiểm tra tầm nhìn ngoại vi giúp bác sĩ xác nhận triệu chứng mất tầm nhìn ngoại vi một dấu hiệu của bệnh tăng nhãn áp.

  Soi cấu trúc trong mắt: Bác sĩ sử dụng một ống kính lúp đặc biệt để kiểm tra võng mạc và thần kinh thị giác để phát hiện các vấn đề về mắt.

  Đo nhãn áp: phép đo áp suất bên trong mắt bằng cách sử dụng một dụng cụ đặc biệt giúp phát hiện bệnh tăng nhãn áp.

  Kiểm tra giác mạc là phương pháp đo độ dày của giác mạc.

 

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH GLAUCOMA

Điều trị Glaucoma sớm nhất để làm chậm sự phát triển của bệnh, hạn chế khả năng mù lòa. 1 số biện pháp điều trị Glaucoma:

Sử dụng thuốc điều trị Glaucoma: Các loại thuốc, dưới dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc viên, làm giảm áp lực cho mắt bằng cách giúp chất lỏng thoát ra từ mắt. Trước khi bắt đầu sử dụng thuốc, phải được sự đồng ý của các bác sĩ chuyên khoa mắt để tránh tác dụng phụ.

Phẫu thuật: Chỉ thực hiện khi điều trị bằng thuốc không hiệu quả và thường chỉ áp dụng với trường hợp bệnh cấp tính.

► Phẫu thuật Laser: Bác sĩ sẽ dùng laser argon để tạo hình vùng bè (trabeculoplasty), quá trình lành vết thương sẽ co kéo lớp sợi collagen vùng bè làm tăng thoát lưu thủy dịch.

► Phẫu thuật thông thường: Tạo cho một lỗ hở cho chất dịch ra khỏi mắt. Bác sĩ sử dụng các công cụ phẫu thuật để tạo ra một lỗ nhỏ dưới kết mạc (lớp xung quanh mắt). Các chất lỏng tích tụ có thể chảy qua lỗ, và sau đó hấp thụ vào máu.

BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH GLAUCOMA

Tăng nhãn áp không có phương pháp để phòng ngừa. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, có thể làm chậm và ngăn chặn tổn thương thần kinh thị giác, và hạn chế tối đa khả năng mù lòa.

Nên thường xuyên đi khám mắt 1 đến 2 lần trong 1 năm để phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh Glaucoma và các bệnh về mắt khác.

KHÁM MẮT Ở ĐÂU LÀ UY TÍN NHẤT TẠI BÌNH DƯƠNG

Hưởng ứng tuần lễ Glaucoma thế giới, hãy đến bệnh viện đa khoa Medic Bình Dương để khám và phát hiện sớm Glaucoma. Từ thứ 2 đến thứ 7, tại bệnh viện đa khoa Medic Bình Dương có đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, đã từng công tác tại các bệnh viện lớn, chuyên chữa trị các bệnh về mắt. Các bác sĩ khám mắt toàn diện và chỉ định phẫu thuật (nếu có), tư vấn thuốc, thực phẩm, những yếu tố có thể ảnh hưởng đến phẫu thuật.

Bệnh viện đa khoa Medic Bình dương tự hào là nơi khám chữa bệnh đáng tin cậy của Quý Khách hàng. Hãy để chúng tôi “Trao bạn điều quý giá nhất.”

 

 


(*) Xem thêm:

Bình luận