LOẠN SẢN RÒNG RỌC XƯƠNG ĐÙI: NHẬN DIỆN, ĐIỀU TRỊ VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

07/07/2025 | 18 |
0 Đánh giá

Chỉ mới 18 tuổi, một nam sinh đang trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã phải đối mặt với một nỗi đau không ngờ tới – không chỉ là một chấn thương thông thường sau tai nạn, mà là phát hiện ra một dị tật bẩm sinh hiếm gặp: loạn sản ròng rọc xương đùi.

Ngay sau ngày thi tốt nghiệp, không chần chừ thêm nữa, em đã nhờ ba đưa đi kiểm tra. Kết quả chẩn đoán chắc hẳn là một cú sốc, nhưng cũng là lời giải đáp cho những cơn đau kéo dài bấy lâu. Loạn sản ròng rọc xương đùi là một dị tật bẩm sinh, khiến ròng rọc xương đùi (phần khớp nối với xương bánh chè) phát triển không bình thường, dẫn đến tình trạng trật khớp bánh chè tái phát và gây đau đớn, khớp gối không vững.

Trường hợp của em đi khám sau chấn thương . Kết quả là đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước, rách ngang sụn chêm ngoài, loạn sản ròng rọc xương đùi.

“Khi cơ thể bạn khỏe mạnh, bạn có hàng ngàn ước mơ. Nhưng ngay khi cơ thể bạn bị bệnh, bạn chỉ có duy nhất một ước mơ mà thôi.”

Câu chuyện này mở ra một vấn đề rất đáng được quan tâm trong y học chấn thương chỉnh hình: những tổn thương hiếm gặp, phức tạp ở khớp gối – đặc biệt là ở người trẻ tuổi.

Hình 1. Ròng rọc xương đùi bình thường

Hình 2. Ròng rọc xương đùi biến dạng do loạn sản

LOẠN SẢN RÒNG RỌC XƯƠNG ĐÙI LÀ GÌ?

Loạn sản ròng rọc xương đùi (Trochlear Dysplasia) là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp của khớp gối, đặc trưng bởi sự phát triển bất thường của rãnh ròng rọc, tức là phần lõm ở xương đùi nơi xương bánh chè trượt lên xuống khi gập hoặc duỗi gối.

Ở người bình thường, rãnh ròng rọc có hình chữ V, sâu và đối xứng, giúp định hướng và giữ xương bánh chè trượt đúng hướng khi gập duỗi khớp gối. Tuy nhiên, khi bị loạn sản:

  • Rãnh trở nên quá nông hoặc thậm chí phẳng
  • Gây mất ổn định cho xương bánh chè
  • Dễ dẫn đến trật khớp bánh chè tái phát, đau, và thoái hóa khớp sớm

NGUYÊN NHÂN VÀ YẾU TỐ NGUY CƠ

Loạn sản ròng rọc xương đùi chủ yếu có nguồn gốc bẩm sinh, hình thành trong giai đoạn phát triển thai nhi. Trong đa số các trường hợp, tình trạng này không được phát hiện sớm vì triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi người bệnh bắt đầu vận động mạnh hoặc gặp chấn thương.

Một số yếu tố nguy cơ đi kèm có thể làm nặng hơn tình trạng:

  • Dị tật hình thể của xương bánh chè (quá cao, quá nhỏ hoặc bất thường)
  • Mất cân bằng cơ quanh gối
  • Bất thường dây chằng giữ xương bánh chè
  • Chấn thương vùng khớp gối

SINH LÝ BỆNH HỌC

Ở khớp gối, ròng rọc xương đùi đóng vai trò là “đường ray”, còn xương bánh chè là “bánh xe” di chuyển. Khi đường ray bị biến dạng (quá nông hoặc lệch trục), “bánh xe” sẽ dễ trượt khỏi đường, gây ra hiện tượng trật khớp bánh chè.

Về lâu dài, nếu không can thiệp điều trị, hiện tượng trật khớp tái đi tái lại sẽ làm mòn sụn khớp, gây thoái hóa khớp gối sớm, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống.

TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP

Người bệnh có thể nhận biết loạn sản ròng rọc xương đùi thông qua các biểu hiện:

  • Đau mặt trước khớp gối
  • Đặc biệt khi leo cầu thang, đứng lên ngồi xuống, ngồi xổm lâu hoặc hoạt động thể thao.
  • Cảm giác khớp gối không vững
  • Như thể xương bánh chè có thể "trật ra ngoài" hoặc "bị lắc", đặc biệt khi gập hoặc duỗi gối nhanh.
  • Trật khớp bánh chè tái phát

Một dấu hiệu rất đặc trưng. Khi bị trật, người bệnh thường nghe thấy tiếng "khớp" lớn và cảm thấy đau dữ dội.

  • Sưng nhẹ khớp gối
  • Sau vận động mạnh hoặc sau khi khớp bị trật.
  • Giảm khả năng vận động
  • Đặc biệt là các động tác gập duỗi sâu, đứng lên từ tư thế ngồi xổm, hoặc chơi thể thao.

CHẨN ĐOÁN: LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT HIỆN

1. Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu bất thường về hình dạng gối, độ vững của bánh chè, phản xạ đau khi gập gối, và khả năng trật bánh chè khi ấn từ ngoài vào.

2. Chụp X-quang

  • Đánh giá góc nghiêng và độ sâu của rãnh ròng rọc
  • Xác định vị trí xương bánh chè và các biến dạng xương khác

3. Chụp cộng hưởng từ (MRI)

  • MRI giúp đánh giá rõ hơn:
  • Hình thể rãnh ròng rọc
  • Tổn thương dây chằng, sụn, sụn chêm
  • Mức độ viêm, tràn dịch khớp

4. Chụp CT scan có dựng hình 3D

Được chỉ định trong các trường hợp cần phẫu thuật chỉnh hình. Dữ liệu 3D cho phép bác sĩ mô phỏng can thiệp chính xác.

PHÂN ĐỘ LOẠN SẢN RÒNG RỌC THEO DEJOUR

Hệ thống phân độ Dejour được dùng phổ biến để đánh giá mức độ loạn sản ròng rọc:

  • Loại A: Rãnh nông nhưng vẫn có hình dạng gần bình thường
  • Loại B: Rãnh phẳng
  • Loại C: Mất đối xứng, một bên cao một bên thấp
  • Loại D: Mất cấu trúc rãnh, xương lồi bất thường, nghiêm trọng nhất

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

1. Điều trị bảo tồn (không phẫu thuật)

Áp dụng cho các trường hợp nhẹ, chưa có trật khớp tái phát hoặc triệu chứng chưa ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt:

  • Thuốc giảm đau, kháng viêm: Nhóm NSAIDs
  • Chườm lạnh, nẹp gối, băng ép
  • Vật lý trị liệu phục hồi chức năng:
  • Tăng cường cơ tứ đầu đùi (đặc biệt là cơ rộng trong - VMO)
  • Cân bằng cơ gối - mông
  • Tập kiểm soát chuyển động khớp
  • Hạn chế vận động mạnh và tránh các tư thế gây trật khớp

2. Điều trị phẫu thuật

Chỉ định trong các trường hợp:

  • Trật khớp bánh chè tái phát nhiều lần
  • Dị dạng ròng rọc nặng (loại B, C, D)
  • Ảnh hưởng nặng nề đến chức năng vận động

Các kỹ thuật phổ biến gồm:

a. Tái tạo ròng rọc (Trochleoplasty)

Làm sâu và tạo lại hình dạng bình thường của rãnh ròng rọc

Thường áp dụng cho độ C và D

b. Tái tạo dây chằng MPFL

Dây chằng giữ xương bánh chè từ phía trong

Tái tạo bằng gân tự thân (thường là gân cơ bán gân hoặc cơ thon) hoặc gân nhân tạo

c. Di lệch lồi củ chày (Tibial Tubercle Osteotomy)

Di chuyển vị trí bám của gân bánh chè trên xương chày

Điều chỉnh lực kéo của bánh chè

d. Phẫu thuật kết hợp

Trong một số ca phức tạp (như trường hợp bệnh nhân 18 tuổi nêu trên), các kỹ thuật có thể kết hợp cùng lúc: tái tạo dây chằng chéo, sửa sụn chêm, trochleoplasty…

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU MỔ

Phục hồi chức năng đóng vai trò tối quan trọng để đảm bảo hiệu quả điều trị:

Giai đoạn 1: Tuần 1 – 4

  • Băng ép, giảm đau, chống viêm
  • Tập co cơ đùi, vận động khớp gối thụ động
  • Sử dụng nạng nếu cần

Giai đoạn 2: Tuần 4 – 8

  • Tăng cường tập gập - duỗi gối chủ động
  • Tập sức mạnh nhóm cơ gối, mông
  • Bắt đầu tập thăng bằng

Giai đoạn 3: Sau 2 tháng

  • Tăng dần cường độ tập
  • Tập thăng bằng, bước lên xuống, squat nhẹ
  • Tái hòa nhập hoạt động thể thao sau 3 – 6 tháng (tùy từng trường hợp)

Loạn sản ròng rọc xương đùi là một tình trạng hiếm gặp nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ trật khớp, đau mạn tính và thoái hóa khớp về lâu dài. Nhận diện sớm, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời là chìa khóa giúp người bệnh có thể trở lại sinh hoạt và vận động bình thường.

Nếu bạn hoặc người thân có triệu chứng đau gối mạn tính, cảm giác lỏng khớp, hoặc từng bị trật xương bánh chè, hãy đến các cơ sở y tế có chuyên khoa cơ xương khớp hoặc chấn thương chỉnh hình để được thăm khám. Liên hệ trực tiếp qua số hotline 0915.045.115 hoặc truy cập trang web https://medicbinhduong.vn/ để được tư vấn.


(*) Xem thêm:

Bình luận