SỐT RÉT NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO? TRIỆU CHỨNG, BIẾN CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH BỆNH SỐT RÉT

29/08/2024 | 715 |
0 Đánh giá

Hằng năm, có hơn 400.000 người trên thế giới tử vong do bệnh sốt rét. Căn bệnh này chủ yếu xuất hiện ở các quốc gia thuộc vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Năm 2023, Việt Nam ghi nhận 448 ca mắc sốt rét. Vậy sốt rét là bệnh gì và nguyên nhân gây ra sốt rét đến từ đâu?

BỆNH SỐT RÉT LÀ GÌ?

Sốt rét (Malaria) là một căn bệnh do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, với các triệu chứng như đau đầu, sốt, rét run và có nguy cơ tử vong cao. Người bệnh thường xuất hiện triệu chứng sau khi bị muỗi Anophen đốt khoảng 10-15 ngày. Sốt rét có thể lây truyền qua nhiều con đường như truyền máu, từ mẹ sang con, sử dụng chung bơm kim tiêm có dính máu chứa ký sinh trùng sốt rét hoặc qua vết đốt của muỗi.

TRIỆU CHỨNG BỆNH SỐT RÉT

Người mắc bệnh sốt rét có thể chỉ xuất hiện các triệu chứng sốt rét thông thường, nhưng đôi khi đó cũng có thể là dấu hiệu của sốt rét ác tính. Các biểu hiện của bệnh sốt rét còn phụ thuộc vào loại ký sinh trùng gây bệnh.

1. Dấu hiệu sốt rét thông thường

Người mắc bệnh sốt rét thường có các triệu chứng phổ biến như sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, thở nhanh, nhịp tim nhanh, ho, mệt mỏi, đau cơ khớp, và tiêu chảy. Những triệu chứng ban đầu này thường không gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tùy vào cơ địa của mỗi người, bệnh sốt rét có thể biểu hiện khác nhau. Nếu sốt điển hình, người bệnh sẽ trải qua 3 giai đoạn: rét run, sốt, và vã mồ hôi. Trong trường hợp sốt không điển hình, bệnh nhân có thể trải qua các biểu hiện chung như sốt không thành cơn, sốt liên tục, ớn lạnh, rét, và nổi da gà. Một số trường hợp nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến phình to lách, gan to, cơ thể xanh xao, suy nhược, và thiếu máu.

2. Dấu hiệu sốt rét ác tính

Sốt rét ác tính là một dạng sốt rét nghiêm trọng, chủ yếu do ký sinh trùng Plasmodium falciparum gây ra. Bệnh gây tắc nghẽn các mao mạch nhỏ, dẫn đến rối loạn tuần hoàn, giảm tưới máu đến các cơ quan và tổn thương não. Người mắc sốt rét ác tính có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng, với những dấu hiệu như sốt cao liên tục, rối loạn ý thức (mơ sảng, nói lẩm bẩm, ngủ li bì), rối loạn tiêu hóa (ói mửa, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng), đau đầu dữ dội, thị lực lờ đờ, da tái xanh.

Ngoài ra, người bệnh có thể bị thiếu máu nặng, suy thận, phù phổi cấp, hạ đường huyết, sốc, xuất huyết, co giật toàn thân, vàng da, và sốt cao. Nếu sốt rét ác tính không được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong sẽ rất cao.

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH SỐT RÉT

Có 5 loài ký sinh trùng thuộc họ Plasmodium gây bệnh sốt rét ở người:

  • P. vivax, P. falciparum (nguy hiểm).
  • P. malariae, P. ovale (ít nguy hiểm).
  • P. knowlesi (chủ yếu ở Đông Nam Á, trên khỉ nhưng cũng gây sốt rét nặng cho người).

Ở Việt Nam có 3 loài: P. falciparum, P. vivax, P. malariae.

Có khoảng 422 loài muỗi Anophen trên thế giới, khoảng 70 loài có khả năng truyền bệnh, 40 loài là vật chủ trung gian.

Ở Việt Nam có 15 loài muỗi Anophen gây bệnh, 3 loài truyền bệnh thường xuyên: An. dirus, An. minimus, An. epiroticus.

Phân bố và sinh sống:

  • An. dirus: Mùa mưa, vùng rừng núi từ 20 vĩ độ Bắc trở vào Nam.
  • An. epiroticus: Ven biển nước lợ Nam Bộ.
  • An. minimus: Rừng núi đồi dưới 1.000 mét, mạnh vào đầu và cuối mùa mưa.

Quá trình truyền bệnh sốt rét:

  • Khi muỗi hút máu người bệnh, hút theo giao bào đực và cái của ký sinh trùng sốt rét.
  • Thời gian từ cơn sốt đầu đến xuất hiện giao bào trong máu:
  • 2-3 ngày với P. vivax, P. malariae, P. ovale.
  • 7-10 ngày với P. falciparum.
  • Trong muỗi, giao bào đực và cái kết hợp, tạo thành noãn, phát triển thành ký sinh trùng non, di chuyển lên tuyến nước bọt muỗi.
  • Ký sinh trùng vào máu, tiến đến gan, phát triển và làm vỡ tế bào gan, giải phóng ký sinh trùng non vào máu.
  • Ký sinh trùng non thâm nhập hồng cầu, phá vỡ và gây sốt rét.

Ký sinh trùng non có 2 thể:

  • Thể vô tính: Xâm nhập hồng cầu phát triển.
  • Thể hữu tính: Gồm giao bào đực và cái, chờ muỗi hút máu để quay lại vòng đời mới.

Ký sinh trùng ở gan và thời gian lây lan:

  • P. vivax và P. ovale có thể trú dài hạn ở gan, gây tái phát sốt sau nhiều tháng, có thể kéo dài 2-3 năm.
  • Người bệnh vẫn là nguồn lây khi giao bào còn trong máu.

4 PHƯƠNG THỨC LÂY TRUYỀN BỆNH SỐT RÉT

Ký sinh trùng gây bệnh sốt rét không thể tồn tại ở môi trường bên ngoài, mà chỉ sống trong máu của người nhiễm bệnh và trong muỗi Anophen truyền bệnh. Nguồn máu từ người mắc sốt rét có khả năng lây truyền bệnh kéo dài ít nhất 1 tháng. Bệnh sốt rét lây qua đường máu với 4 phương thức chính:

1. Muỗi truyền: Đây là phương thức lây lan chính của bệnh sốt rét.

2. Truyền máu: Trong một số trường hợp hiếm gặp, người hiến máu mang ký sinh trùng sốt rét nhưng không biết và vô tình truyền cho người nhận máu.

3. Mẹ truyền sang con: Thai phụ mắc sốt rét có thể truyền bệnh cho con qua nhau thai, dẫn đến nguy cơ sảy thai, sinh non do các biến chứng như thiếu máu, bệnh nặng, hạ đường huyết, phù phổi cấp. Tuy nhiên, tỷ lệ này rất hiếm gặp.

4. Tiêm chích: Bệnh có thể lây qua việc sử dụng chung bơm kim tiêm có dính máu chứa ký sinh trùng sốt rét, đặc biệt trong các trường hợp tiêm chích ma túy.

BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA BỆNH SỐT RÉT

Trong số các loài ký sinh trùng gây bệnh sốt rét, plasmodium được xem là đáng sợ nhất vì dễ khiến người bệnh rơi vào tình trạng sốt rét ác tính. Một số loại ký sinh trùng khác gây ra bệnh nhẹ hơn nhưng vẫn có thể tồn tại nhiều năm và gây tái phát. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 94% ca tử vong do sốt rét xảy ra ở châu Phi, chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh sốt rét có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Sốt rét thể não: Các mạch máu nhỏ bị bít lại do các tế bào máu chứa ký sinh trùng, gây phù và tổn thương não. Người bệnh có dấu hiệu co giật, hôn mê. Trẻ em dễ bị thiếu máu, tổn thương não, có nguy cơ suy giảm thần kinh, nhận thức, rối loạn hành vi và động kinh.

Phù phổi: Tích tụ dịch tiết trong cơ thể gây phù phổi, khó thở, có thể dẫn đến tử vong.

Suy nội tạng: Suy thận, suy gan hoặc vỡ lá lách làm cơ thể rơi vào tình trạng nguy kịch.

Thiếu máu: Cơ thể thiếu hụt tế bào hồng cầu, dẫn đến thiếu oxy cho các mô.

Hạ đường huyết: Có thể gây hôn mê hoặc tử vong. Hạ đường huyết không chỉ do bệnh mà còn là tác dụng phụ của thuốc quinine dùng trong điều trị sốt rét.

Sốt rét nặng có thể tiến triển rất nhanh và dẫn đến tử vong chỉ trong vài giờ đến vài ngày. Ở các ca bệnh nặng, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 20%, do đó cần chăm sóc và điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng cách, người bệnh có khả năng hồi phục tốt.

AI CÓ NGUY CƠ BỊ BỆNH SỐT RÉT?

Bệnh sốt rét chủ yếu xảy ra ở các vùng rừng núi, nơi người dân thường canh tác nương rẫy, trồng cao su hoặc đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh sốt rét. Người bệnh được xác định nhiễm ký sinh trùng sốt rét khi kết quả xét nghiệm máu cho kết quả dương tính.

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh sốt rét cao gồm trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, người cao tuổi và thai phụ. Đáng chú ý là sốt rét bẩm sinh, dù hiếm gặp, nhưng có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ chào đời với các triệu chứng như quấy khóc, sốt, vàng da, gan và lách to. Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi bị sốt rét, các triệu chứng có thể bao gồm sốt cao liên tục, nôn, tiêu chảy, bụng chướng, gan và lách to, có dấu hiệu viêm màng não, co giật và tỷ lệ tử vong cao.

CÁCH PHÒNG BỆNH SỐT RÉT

Để phòng bệnh sốt rét, người dân cần ngủ mùng dù ở trong nhà, nương rẫy, hay đi du lịch trong rừng. Những khu vực có muỗi Anophen lưu hành cần diệt muỗi bằng phun thuốc định kỳ, tẩm màn hóa chất để diệt muỗi, xoa kem và hương xua muỗi, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh quanh nhà, khơi thông dòng chảy, vớt rong rêu làm thoáng mặt hồ nước, làm nhà xa rừng và xa nguồn nước, mặc quần áo dài buổi tối,…

Ngoài ra, những khu vực bệnh sốt rét lưu hành thường xuyên thì người dân còn được uống thuốc dự phòng ngắn ngày, xác định sớm ca bệnh để khoanh vùng dịch.


(*) Xem thêm:

Bình luận