SUY GIÃN TĨNH MẠCH CHÂN: TRIỆU CHỨNG, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA HIỆU QUẢ
Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân tiến triển âm thầm, có thể dẫn đến các biến chứng như huyết khối tĩnh mạch nông và sâu, gây đau đớn và phù nề ở hai chi dưới. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như chảy máu, loét chân khó lành, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 35% người đang làm việc và 50% người đã nghỉ hưu mắc phải bệnh giãn tĩnh mạch chân, trong đó phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 3 lần nam giới. Do các triệu chứng thường không rõ ràng và tiến triển âm thầm, bệnh dễ bị bỏ qua và không được điều trị đúng cách.
SUY GIÃN TĨNH MẠCH CHÂN LÀ GÌ?
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới, hay còn gọi là giãn tĩnh mạch chân, là tình trạng máu bị ứ đọng trong hệ thống tĩnh mạch ở chân, không thể lưu thông ngược trở lại tim như bình thường. Điều này làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch, khiến chúng giãn nở. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng hơn, làm giảm dòng máu động mạch cung cấp cho chân.
Khi đó, người bệnh sẽ cảm thấy nặng chân, nhức mỏi, phù nề, tê bì, cảm giác như kiến bò, chuột rút vào ban đêm. Trường hợp nặng hơn, tình trạng rối loạn tuần hoàn máu nuôi dưỡng chân có thể dẫn đến các biến chứng như chàm da, loét chân không lành, khiến việc điều trị trở nên phức tạp và kéo dài. Đáng chú ý, tỷ lệ suy giãn tĩnh mạch ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
NGUYÊN NHÂN GIÃN TĨNH MẠCH CHÂN
Ở trạng thái bình thường, dòng máu tĩnh mạch từ chân trở về tim được duy trì theo một chiều, từ dưới lên trên (ngược với lực hấp dẫn khi đứng), nhờ vào hệ thống van tĩnh mạch, lực hút từ hoạt động của tim, cơ thành ngực và lực ép từ các cơ cẳng chân.
Tuy nhiên, các yếu tố như đứng lâu, chèn ép tĩnh mạch vùng chậu hoặc ít vận động cơ cẳng chân có thể làm ảnh hưởng đến cơ chế duy trì dòng máu một chiều này. Lâu dần, van tĩnh mạch sẽ mất đi chức năng, khiến thành tĩnh mạch giãn ra và yếu đi. Điều này dẫn đến tình trạng máu trào ngược qua van theo trục các tĩnh mạch hiển lớn, hiển bé hoặc tĩnh mạch sâu, làm máu chảy ngược xuống chân. Dòng máu trào ngược này gây áp lực lớn trong các tĩnh mạch lớn và nhỏ, khiến chúng giãn ra.
Suy van tĩnh mạch có thể xảy ra cục bộ tại từng vùng hoặc lan ra toàn bộ chân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
BIỂU HIỆN CỦA SUY GIÃN TĨNH MẠCH CHÂN
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch thường không rõ ràng và thoáng qua. Người bệnh có thể cảm thấy nặng chân, giày dép trở nên chật hơn so với bình thường. Trong trường hợp nặng hơn, chân dễ mỏi, xuất hiện phù nhẹ khi đứng hoặc ngồi lâu, có cảm giác kim châm hoặc kiến bò ở vùng cẳng chân, chuột rút vào ban đêm. Bên cạnh đó, người bệnh có thể nhìn thấy các mạch máu nhỏ li ti trên da, dạng mạng nhện (spider vein) hoặc mạch lớn hơn, sâu hơn như lưới dưới da. Những triệu chứng này thường biến mất khi người bệnh nghỉ ngơi, do tĩnh mạch chưa giãn nhiều và dễ bị bỏ qua.
Khi bệnh tiến triển, chân bắt đầu có dấu hiệu phù nề ở mắt cá hoặc bàn chân. Vùng cẳng chân có sự thay đổi về màu sắc da, biểu hiện của tình trạng loạn dưỡng do máu tĩnh mạch ứ đọng lâu ngày. Các tĩnh mạch giãn ra gây cảm giác đau tức, máu thoát ra ngoài mạch làm phù chân. Hiện tượng này không biến mất khi nghỉ ngơi. Ở giai đoạn nặng, các búi tĩnh mạch lớn dần và nổi rõ trên bề mặt da, cùng với các mảng máu bầm xuất hiện thường xuyên.
Khi bệnh bước vào giai đoạn biến chứng, các tĩnh mạch nông giãn to và tạo thành búi, viêm và hình thành huyết khối bên trong. Kết hợp với loét do thiểu dưỡng, bệnh có thể dẫn đến các ổ loét và nhiễm trùng, làm phức tạp quá trình điều trị.
GIAI ĐOẠN TIẾN TRIỂN CỦA SUY GIÃN TĨNH MẠCH CHÂN
Hệ thống phân loại bệnh suy giãn tĩnh mạch theo CAEP (Clinical-Aetiological-Anatomical-Pathophysiological) phân chia các giai đoạn tiến triển và mức độ nặng của bệnh trên lâm sàng thành 6 cấp độ (C1-C6), cụ thể như sau:
- C1: Giãn tĩnh mạch dạng mạng nhện hoặc lưới (spider veins hoặc reticular veins).
- C2: Giãn tĩnh mạch lớn dưới da với đường kính trên 3mm.
- C3: Xuất hiện phù nề.
- C4: Biến đổi cấu trúc da và mô dưới da, như tình trạng chàm da.
- C5: Loét da nhưng có thể lành.
- C6: Loét da không lành, thường đi kèm với biến chứng nghiêm trọng.
PHÒNG NGỪA GIÃN TĨNH MẠCH CHÂN
Để phòng ngừa và cải thiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch, các biện pháp giảm trào ngược van tĩnh mạch rất quan trọng. Người bệnh được khuyến nghị:
- Tránh đứng hoặc ngồi lâu một chỗ.
- Thực hiện các bài tập chuyên biệt cho suy giãn tĩnh mạch để tăng cường lưu thông máu.
- Đặt chân cao khi ngồi hoặc nằm nghỉ ngơi.
- Tập hít thở sâu và chủ động để hỗ trợ tuần hoàn.
- Tuân thủ chế độ ăn giàu chất xơ để tránh táo bón và kiểm soát cân nặng, ngăn ngừa béo phì.
- Sử dụng vớ (tất) áp lực chuyên dụng để hỗ trợ hệ thống tĩnh mạch và giảm áp lực lên chân.
Bệnh viện Đa khoa Medic Bình Dương tự hào quy tụ đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, cùng với việc sở hữu hệ thống máy móc và thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới. Đặc biệt, bệnh viện được trang bị hệ thống phòng mổ tối tân với các thiết bị tiên tiến như máy chụp mạch DSA, giúp thực hiện các kỹ thuật can thiệp tim mạch từ đơn giản đến phức tạp một cách hiệu quả nhất. Điều này đảm bảo mang đến cho bệnh nhân dịch vụ y tế chất lượng cao và an toàn tối ưu. Để đặt lịch thăm khám và điều trị, liên hệ qua số hotline: 0915.045.115 hoặc truy cập website https://medicbinhduong.vn/ để được tư vấn.
Xem thêm