LUPUS BAN ĐỎ HỆ THỐNG LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM

14/08/2024 | 178 |
0 Đánh giá

Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hơn 5 triệu người trên toàn cầu, với khoảng 16.000 trường hợp mắc mới được chẩn đoán mỗi năm. Căn bệnh này gây ra nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu.

LUPUS BAN ĐỎ HỆ THỐNG LÀ GÌ?

Lupus ban đỏ hệ thống, còn gọi là SLE hoặc lupus, là một bệnh mãn tính kéo dài có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể. Lupus thường được mệnh danh là "kẻ bắt chước vĩ đại" vì nó thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Phần lớn người bệnh lupus thường gặp triệu chứng mệt mỏi, xuất hiện vết hồng ban hình cánh bướm, đau và sưng khớp, kèm theo sốt.

CÁC GIAI ĐOẠN CỦA BỆNH

Các cơn đau do lupus có thể biến đổi từ nhẹ đến nặng. Hầu hết bệnh nhân thường trải qua những giai đoạn bệnh hoạt động, xen kẽ với những khoảng thời gian bệnh gần như không có triệu chứng, được gọi là giai đoạn lui bệnh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bệnh đã khỏi hoàn toàn.

Lupus là một bệnh tự miễn mạn tính có khả năng gây viêm và đau ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Lupus thường tác động đến da, khớp, và các cơ quan nội tạng như thận hoặc phổi. Có bốn dạng lupus, bao gồm:

1. Lupus ban đỏ hệ thống (SLE): Chiếm khoảng 70% tổng số ca lupus. Trong khoảng một nửa số trường hợp này, các cơ quan quan trọng như tim, phổi, thận, hoặc não sẽ bị ảnh hưởng. Một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp bao gồm viêm thận lupus, làm suy giảm chức năng lọc cầu thận; trong trường hợp nặng, có thể dẫn đến tổn thương thận, cần lọc máu hoặc ghép thận.

2. Lupus da: Chiếm khoảng 10% tổng số ca lupus, lupus da chỉ ảnh hưởng đến da. Bệnh có thể biểu hiện dưới dạng hồng ban da hoặc hồng ban dạng đĩa, với ban nổi gồ lên trên bề mặt da, có vảy và thường không gây ngứa. Các vết ban hoặc loét thường xuất hiện trên mặt, cổ, da đầu (những vùng da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng huỳnh quang), hoặc niêm mạc mũi, miệng, âm đạo. Rụng tóc hoặc thay đổi màu da cũng là những triệu chứng của lupus da.

3. Lupus do thuốc: Chiếm khoảng 10% tổng số ca lupus và xuất hiện do dùng liều cao một số loại thuốc. Các triệu chứng của lupus do thuốc tương tự như lupus ban đỏ hệ thống, tuy nhiên, chúng thường giảm hoặc mất đi trong vòng 6 tháng sau khi ngừng sử dụng thuốc.

4. Lupus ở trẻ sơ sinh: Đây là tình trạng hiếm gặp khi kháng thể của mẹ ảnh hưởng đến thai nhi. Khi mới sinh, em bé có thể bị phát ban trên da, gặp vấn đề về gan hoặc có số lượng tế bào máu thấp, nhưng các triệu chứng này thường tự biến mất hoàn toàn sau sáu tháng mà không để lại hậu quả lâu dài. Tuy nhiên, biến chứng nguy hiểm là block tim bẩm sinh có thể xảy ra, thường được phát hiện từ tuần thai thứ 18 đến 24, và trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng sẽ cần sử dụng máy tạo nhịp tim.

NGUYÊN NHÂN BỆNH LUPUS

Hệ miễn dịch được ví như lá chắn và đội quân bảo vệ của cơ thể, có nhiệm vụ sinh ra các kháng thể để tấn công vi khuẩn và các tác nhân lạ xâm nhập. Tuy nhiên, khi hệ thống miễn dịch "bị lỗi", thay vì tạo ra kháng thể để chống lại bệnh tật, nó lại tự tấn công các mô lành mạnh trong cơ thể. Theo thời gian, các tế bào miễn dịch khác cũng tham gia vào cuộc "nội chiến" này, dẫn đến tình trạng viêm và tổn thương các mô trong cơ thể.

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của các phản ứng này. Nhiều nghiên cứu cho rằng đây có thể là kết quả của sự kết hợp giữa yếu tố di truyền, nội tiết tố, và các yếu tố môi trường. Các yếu tố môi trường có thể bao gồm virus, ánh nắng, dị ứng, và các tác nhân như ô nhiễm hoặc bụi. Người mắc bệnh lupus cũng có thể bị suy giảm khả năng đào thải các tế bào cũ và bị tổn thương ra khỏi cơ thể, dẫn đến các phản ứng miễn dịch bất thường.

1. Nội tiết tố:

Hormone đóng vai trò điều chỉnh nhiều chức năng quan trọng. Với tỷ lệ 9 trên 10 trường hợp lupus là ở nữ giới, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu mối liên hệ giữa estrogen và bệnh lupus.

Cả nam giới và nữ giới đều sản xuất estrogen, nhưng ở nữ giới, lượng estrogen được sản xuất nhiều hơn. Nhiều phụ nữ nhận thấy các triệu chứng lupus gia tăng trước kỳ kinh nguyệt hoặc trong thai kỳ, khi nồng độ estrogen cao. Điều này cho thấy estrogen có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh lupus.

2. Di truyền học:

Việc xác định lupus chỉ dựa trên gene thường không đủ. Điều này đặc biệt rõ ràng khi xem xét các cặp song sinh có cùng đặc điểm di truyền nhưng chỉ một người phát triển bệnh lupus. Nếu một trong hai cặp song sinh giống hệt nhau mắc lupus, khả năng người còn lại cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn (30% nguy cơ đối với cặp song sinh cùng trứng; 5-10% nguy cơ đối với cặp song sinh khác trứng).

3. Môi trường:

Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng các yếu tố môi trường, như virus hoặc một số chất hóa học, có thể kích hoạt bệnh lupus ở những người có tính nhạy cảm di truyền. Hiện chưa xác định được tác nhân môi trường cụ thể, nhưng có một số giả thuyết được đưa ra.

Các yếu tố môi trường có thể kích hoạt lupus và gây ra các cơn bùng phát vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng các yếu tố phổ biến nhất bao gồm tia cực tím (UVA và UVB), nhiễm trùng, và tiếp xúc với bụi silica trong môi trường nông nghiệp hoặc công nghiệp.

Một số ví dụ khác về các yếu tố môi trường tiềm ẩn bao gồm:

  • Tia cực tím từ ánh sáng mặt trời và/hoặc đèn huỳnh quang.
  • Thuốc Sulfamid làm tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
  • Nhiễm trùng, cảm lạnh, hoặc bệnh do virus.
  • Mệt mỏi, kiệt sức kéo dài.
  • Căng thẳng cảm xúc, hoặc trải qua các biến cố lớn trong cuộc sống.

TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP

Các triệu chứng của bệnh lupus có thể khác nhau ở mỗi người, có thể xuất hiện và biến mất, nhẹ hoặc nghiêm trọng. Bệnh có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều vùng trên cơ thể, do đó các triệu chứng cũng rất đa dạng. Không phải ai mắc lupus cũng sẽ trải qua tất cả các triệu chứng.

Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

Đau khớp: Khớp có thể bị đau, cứng và sưng, đặc biệt là vào buổi sáng. Triệu chứng này có thể bắt đầu nhẹ và dần dần trở nên nghiêm trọng hơn, với các biểu hiện rõ ràng hơn. Các cơn đau có thể đến và tự thoái lui trong một khoảng thời gian.

Mệt mỏi: Khoảng 90% người bị lupus ban đỏ trải qua các giai đoạn mệt mỏi cực độ. Nhiều người cảm thấy cần phải ngủ nhiều vào buổi trưa nhưng lại mất ngủ vào ban đêm, dẫn đến suy nhược cơ thể.

Sốt không rõ nguyên nhân: Đây là một triệu chứng khởi phát thường gặp ở người bệnh lupus. Những cơn sốt nhẹ, xảy ra thường xuyên và lặp đi lặp lại, thường bị bỏ qua vì mức độ nhẹ.

Rụng tóc: Tóc có thể rụng nhiều, thậm chí rụng thành từng mảng lớn, lộ da đầu. Tình trạng viêm da này không chỉ ảnh hưởng đến tóc mà còn có thể làm thưa râu, lông mi, và lông mày. Tóc trở nên yếu, cứng và dễ gãy rụng.

Khô miệng, khô mắt: Nhiều người mắc lupus ban đỏ cũng phát triển hội chứng Sjogren, một rối loạn tự miễn khác. Hội chứng này làm cho các tuyến sản xuất nước mắt và nước bọt hoạt động sai, gây khô miệng và khô mắt. Trong một số trường hợp, phụ nữ mắc lupus và Sjogren cũng có thể bị khô âm đạo và da.

Phát ban trên da: Hơn 50% số người bị lupus ban đỏ xuất hiện phát ban dạng "cánh bướm" trên má và sống mũi, thường trở nên nặng hơn khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác như:

  • Giảm cân.
  • Cảm giác khó chịu, bứt rứt.
  • Xuất hiện các vết loét trong miệng.
  • Nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.
  • Sưng hạch bạch huyết.
  • Đau khớp, đặc biệt là vào buổi sáng.

Các triệu chứng của bệnh lupus phụ thuộc vào bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng:

Hệ thống não và thần kinh: Có thể xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, suy nhược, tê, ngứa ran, co giật, các vấn đề về thị lực, trí nhớ, và thay đổi tính cách.

Đường tiêu hóa:Bệnh nhân có thể gặp đau bụng, buồn nôn và nôn.

Tim: Các vấn đề có thể bao gồm rối loạn van tim, viêm cơ tim, viêm nội mạc tim hoặc màng ngoài tim.

Phổi: Có thể gặp tràn dịch màng phổi, khó thở, hoặc ho ra máu.

Da và niêm mạc: Xuất hiện các nốt ban nhạy cảm với ánh sáng và các vết loét trong miệng.

Thận: Có thể gây phù chân.

Ngón tay và ngón chân: Tím lạnh đầu ngón, đặc biệt trong trường hợp mắc hội chứng Raynaud.

Bất thường về máu: Có thể bao gồm thiếu máu, số lượng bạch cầu thấp hoặc giảm số lượng tiểu cầu.

Nếu bạn có những triệu chứng này, điều đó không nhất thiết có nghĩa là bạn bị lupus. Lupus có nhiều triệu chứng giống với các bệnh khác như viêm khớp hoặc đái tháo đường. Do đó, nếu bạn gặp các triệu chứng phổ biến của lupus, điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân và nhận được phương pháp điều trị thích hợp.

ĐỐI TƯỢNG DỄ MẮC BỆNH

Lupus có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, giới tính và chủng tộc hoặc dân tộc. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bao gồm:

Phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44: Lupus thường xuất hiện ở phụ nữ trong khoảng tuổi này.

Những người có tiền sử gia đình mắc lupus hoặc các bệnh tự miễn khác: Những người có thành viên trong gia đình mắc lupus hoặc một bệnh tự miễn dịch khác cũng có nguy cơ cao hơn bị ảnh hưởng bởi bệnh này.

CÁC BIẾN CHỨNG CỦA LUPUS:

Lupus có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ngay cả khi bệnh không biểu hiện rõ ràng. Theo nghiên cứu, khoảng 10-15% những người mắc bệnh lupus có thể tử vong do các biến chứng của bệnh. Một nghiên cứu do Quỹ Lupus của Hoa Kỳ tài trợ cho thấy lupus là một trong 20 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ từ 5-64 tuổi.

1. Xơ vữa động mạch:

Đây là một biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, suy tim, và đột quỵ. Người mắc lupus ban đỏ cần đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tim, quản lý tốt tình trạng bệnh, và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ. Các biện pháp bao gồm ngừng hút thuốc, theo dõi huyết áp và cholesterol, duy trì lối sống lành mạnh và thăm khám định kỳ thường xuyên.

2. Bệnh thận:

Lupus cũng có thể gây ra bệnh thận, có thể tiến triển thành suy thận và yêu cầu chạy thận. Phòng ngừa các vấn đề nghiêm trọng này bằng cách thăm khám và chẩn đoán sớm khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh thận. Những dấu hiệu này bao gồm:

  • Tăng huyết áp.
  • Phù chân, tay, hoặc mí mắt, cảm giác nặng mặt.
  • Thay đổi trong nước tiểu như xuất hiện máu hoặc bọt trong nước tiểu.
  • Thường xuyên tiểu đêm, tiểu nhiều lần, hoặc tiểu buốt, tiểu rắt.
  • Việc quản lý bệnh lupus và theo dõi các triệu chứng liên quan là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.

CÁCH PHÒNG TRÁNH

Vì lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn và nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ, nên việc phòng ngừa hoàn toàn phát triển bệnh là rất khó. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao mắc bệnh có thể dự phòng bằng cách chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo như mệt mỏi, phát ban trên da, đau bụng, đau khớp, chóng mặt. Phát hiện sớm các triệu chứng này có thể giúp bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị kịp thời, giảm thiểu tác động tiêu cực của bệnh, đồng thời giảm chi phí điều trị và thời gian nằm viện.

Ngoài ra, những người có nguy cơ cao có thể chủ động phòng ngừa lupus bằng các biện pháp sau:

Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Sử dụng kem chống nắng, mặc quần áo dài tay, đội mũ và che chắn kỹ lưỡng khi ra ngoài để bảo vệ da khỏi tác động của tia UV.

Duy trì lối sống khoa học, lành mạnh: Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn, và quản lý căng thẳng để tăng cường sức khỏe tổng thể.

Tiêm vắc xin: Nâng cao hệ thống miễn dịch bằng cách tiêm các loại vắc xin phòng bệnh, theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Hạn chế tiêu thụ thức ăn từ mỡ động vật và kiêng chất kích thích: Giảm ăn các thực phẩm chứa nhiều mỡ động vật và tránh sử dụng rượu, bia, thuốc lá để giảm nguy cơ kích hoạt hoặc làm trầm trọng các triệu chứng lupus.

CÁCH CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH LUPUS BAN ĐỎ

Với những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị, và quản lý bệnh lupus ban đỏ, người bệnh hiện nay có thể sống và làm việc với tuổi thọ kéo dài gần như người bình thường. Tuy nhiên, vì lupus là một bệnh mãn tính có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống, người bệnh có thể trải qua những giai đoạn khó khăn khi bệnh bùng phát, gây đau đớn và hạn chế hoạt động bình thường. Các triệu chứng có thể xuất hiện và biến mất, và không ai có thể dự đoán được lần bùng phát tiếp theo. Vì vậy, việc học cách chung sống hòa bình với lupus ban đỏ là rất quan trọng.

Dưới đây là một số lời khuyên giúp việc chăm sóc bệnh nhân lupus ban đỏ dễ dàng hơn:

1.Bỏ thuốc lá: Giúp người bệnh từ bỏ thói quen hút thuốc để ngăn ngừa nhiễm trùng, đau tim, giảm nguy cơ viêm phổi, viêm phế quản và bệnh mạch vành.

2. Nghỉ ngơi: Khuyến khích người bệnh nghỉ ngơi đầy đủ để giảm mệt mỏi, giảm nguy cơ bùng phát bệnh và giảm nhạy cảm với cơn đau.

3. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và ánh sáng huỳnh quang: Bảo vệ người bệnh khỏi sự nhạy cảm với tia UV bằng cách tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Khi phải ra ngoài trời, hãy khuyên người bệnh mặc quần áo bảo vệ (tay dài, nón rộng vành) và sử dụng kem chống nắng.

4. Bổ sung Vitamin D: Do người bệnh lupus thường phải tránh ánh nắng mặt trời, việc bổ sung vitamin D là cần thiết để ngăn ngừa loãng xương.

5. Rửa tay thường xuyên: Hướng dẫn người bệnh rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa nhiễm trùng, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch suy yếu.

6. Kiểm soát cơn đau: Khuyến khích người bệnh sử dụng các biện pháp giảm đau như tắm nước nóng, sử dụng bồn tắm, châm cứu, yoga, và các phương pháp giảm căng thẳng khác.

7.Tập thể dục thường xuyên: Khuyến khích người bệnh tập thể dục đều đặn để giảm độ cứng cơ bắp, ngăn ngừa loãng xương, giảm căng thẳng, bảo vệ tim mạch, duy trì khả năng linh hoạt của khớp, và phòng ngừa bệnh tim và đột quỵ. Tuy nhiên, cần lưu ý không tập quá sức, và khuyến khích người bệnh chuyển từ các hoạt động nhẹ nhàng sang vừa phải, kèm theo các khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý.

LUPUS BAN ĐỎ CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Lupus ban đỏ là một căn bệnh nguy hiểm vì nó có thể gây tổn thương ở nhiều mô và cơ quan trong cơ thể, và hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Theo các nghiên cứu, có hơn 5 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi bệnh này, với 16.000 trường hợp mới được phát hiện mỗi năm. Lupus ban đỏ có thể ảnh hưởng đến da, khớp, tim, phổi, và thận, gây ra những tổn thương nghiêm trọng và tàn phá toàn bộ cơ thể.

Mặc dù lupus ban đỏ là một bệnh nguy hiểm, nhưng nó lại khó chẩn đoán. Để phòng ngừa, nếu bạn có các triệu chứng như đã mô tả, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán sớm. Việc phát hiện sớm có thể giúp kiểm soát bệnh tốt hơn và giảm thiểu nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.


(*) Xem thêm:

Bình luận