BỆNH SỞI Ở TRẺ EM: DẤU HIỆU, BIẾN CHỨNG, VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA HIỆU QUẢ

26/08/2024 | 159 |
0 Đánh giá

Bệnh sởi là một căn bệnh do virus gây ra, dễ dàng lây lan và có nguy cơ bùng phát thành dịch nhanh chóng. Ở trẻ em, bệnh sởi tiến triển rất nhanh, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

BỆNH SỞI Ở TRẺ EM LÀ GÌ?

Bệnh sởi ở trẻ em là một bệnh lý truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp, với các triệu chứng đặc trưng như sốt, viêm kết mạc, viêm đường hô hấp và tiêu hóa, kèm theo phát ban bắt đầu từ mặt và lan nhanh ra toàn thân. Virus gây bệnh có thể lây lan ngay từ giai đoạn ủ bệnh, trước khi xuất hiện các triệu chứng rõ ràng và kéo dài đến khi trẻ phát ban hoàn toàn.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là những bé chưa được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin ngừa sởi, là nhóm đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất.

NGUYÊN NHÂN TRẺ BỊ BỆNH SỞI

Bệnh sởi ở trẻ em do virus sởi gây ra, thuộc họ Morbillivirus của gia đình Paramyxoviridae. Đây là một loại virus có khả năng lây lan nhanh chóng và dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt khi thời tiết lạnh vào mùa đông-xuân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh sởi có thể xuất hiện và lan rộng bất kỳ lúc nào trong năm.

Trẻ em có thể bị nhiễm virus sởi thông qua tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, vì virus này có thể phát tán ra không khí khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi,... Do đó, sởi dễ dàng lây lan và bùng phát thành dịch, đặc biệt tại những nơi đông người như trường học, nhà trẻ,...

DẤU HIỆU TRẺ EM BỊ BỆNH SỞI

1. Thể điển hình: Bệnh sởi ở trẻ em thường tiến triển qua 4 giai đoạn:

Giai đoạn ủ bệnh: Sau khi trẻ bị nhiễm virus sởi, các triệu chứng sẽ không xuất hiện ngay lập tức mà trẻ sẽ trải qua giai đoạn ủ bệnh kéo dài khoảng 8-11 ngày.

Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 3-4 ngày với các triệu chứng điển hình như:

  • Sốt nhẹ, sau đó tăng dần đến sốt cao;
  • Viêm kết mạc, đỏ mắt;
  • Viêm xuất tiết ở mũi và họng;
  • Nước mắt, nước mũi chảy nhiều;
  • Ho;
  • Hạch ngoại biên sưng to…

Giai đoạn toàn phát (giai đoạn phát ban): Kéo dài khoảng 4-6 ngày. Trẻ bắt đầu phát ban sau tai, sau đó lan rộng ra khắp mặt, cổ, ngực, lưng, tay, và toàn thân trong vòng 3 ngày. Ban sởi có màu đỏ, nhỏ, hơi nổi lên so với bề mặt da, có thể mọc thành từng đốm, nằm rải rác hoặc dính liền với nhau thành những đám tròn từ 3-6mm.

Giai đoạn lui bệnh (giai đoạn ban bay): Trong giai đoạn này, trẻ thường hết sốt, các vết ban bắt đầu biến mất theo thứ tự mọc của chúng và để lại vết thâm trên da. Trong một số trường hợp, nếu ban bay đi khi trẻ vẫn còn sốt, bệnh sởi có thể đã chuyển biến thành các bệnh nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, trẻ có thể bị lột da trong giai đoạn này.

2. Thể không điển hình: Một số trẻ mắc bệnh sởi không được phát hiện sớm do bệnh chỉ biểu hiện qua các triệu chứng không điển hình như:

  • Sốt nhẹ;
  • Phát ban ít;
  • Viêm long nhẹ;
  • Thể trạng sức khỏe của trẻ không có sự thay đổi rõ rệt.

Các triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với các dấu hiệu của một số bệnh viêm đường hô hấp khác. Do đó, cha mẹ cần lưu ý và đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và hướng dẫn điều trị kịp thời nếu trẻ thuộc các trường hợp sau:

  • Dưới 1 tuổi và chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi;
  • Trên 1 tuổi nhưng chỉ mới tiêm 1 mũi vắc xin phòng sởi;
  • Sống trong khu vực đang bùng phát dịch sởi;
  • Tiếp xúc với người bệnh hoặc đã đến những nơi có dịch sởi.
  • Ngoài ra, nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng bất thường như:
  • Khó thở;
  • Đau đầu dữ dội;
  • Đau mắt khi bị ánh sáng chiếu vào;
  • Có xu hướng ngủ nhiều hơn hoặc hôn mê...

BỆNH SỞI Ở TRẺ EM CÓ LÂY KHÔNG?

Sởi là một căn bệnh do virus gây ra, sống chủ yếu trong chất nhầy ở mũi và cổ họng. Virus này có thể lây lan từ người sang người khi người mang virus nói chuyện, hắt hơi, hoặc ho. Do đó, bệnh sởi ở trẻ em có khả năng lây lan rất nhanh.

Không chỉ vậy, virus sởi có thể tồn tại trong không khí và trên các bề mặt môi trường đến 2 giờ. Vì thế, khi trẻ chạm vào các giọt bắn chứa virus trong không khí hoặc trên các bề mặt như tay nắm cửa, bàn, sau đó đưa tay lên miệng hoặc mũi, virus có thể xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

Ngoài ra, trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn và khi mắc bệnh, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu trẻ thuộc các trường hợp sau:

  • Trẻ có hệ miễn dịch bị suy giảm do các bệnh lý như ung thư;
  • Trẻ chưa được tiêm vắc xin ngừa sởi;
  • Trẻ dưới 12 tháng tuổi;
  • Mẹ mắc bệnh sởi trong thai kỳ...

ĐIỀU TRỊ BỆNH SỞI Ở TRẺ EM TẠI NHÀ

Hiện nay, bệnh sởi vẫn chưa có thuốc đặc trị, các phương pháp điều trị chủ yếu tập trung vào việc làm giảm triệu chứng, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, và đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ. Bố mẹ có thể chăm sóc và điều trị bệnh sởi cho trẻ tại nhà bằng những biện pháp sau:

  • Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ C, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng một số loại thuốc hạ sốt với liều lượng phù hợp và cho trẻ uống theo đúng chỉ định.
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với những trẻ khác để hạn chế lây lan bệnh, ngăn ngừa nguy cơ bùng phát thành dịch khó kiểm soát.
  • Vệ sinh thân thể cho trẻ hàng ngày.
  • Dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh nơi ở và môi trường xung quanh, đảm bảo không gian sống luôn sạch sẽ và thoáng mát.
  • Chia nhỏ các bữa ăn hàng ngày, sử dụng các loại thực phẩm dễ tiêu nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ. Thức ăn cần được nấu chín kỹ và đảm bảo vệ sinh.
  • Bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, để giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng liên quan đến mắt như loét giác mạc hay mù mắt.

Lưu ý, trong quá trình chăm sóc trẻ bị sởi tại nhà, bố mẹ cần theo dõi chặt chẽ các biểu hiện và diễn biến của bệnh. Nếu các triệu chứng không có dấu hiệu giảm nhẹ, trở nên nghiêm trọng hơn, hoặc nếu trẻ bị sốt cao kéo dài, hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để được điều trị tích cực.

BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM KHI TRẺ BỊ SỞI

Trẻ em với sức đề kháng và hệ miễn dịch kém là đối tượng dễ bị tấn công bởi virus sởi. Khi đã nhiễm virus, bệnh thường tiến triển nhanh chóng và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Một số biến chứng sởi ở trẻ em có thể bao gồm:

  • Viêm não: Nguy cơ xuất hiện biến chứng này là khoảng 0.1% trong tổng số trẻ bị sởi. Khi trẻ bị viêm não cấp tính, sẽ có các triệu chứng như đau đầu dữ dội, mệt mỏi, sốt co giật, hôn mê, nôn liên tục, cứng gáy.
  • Viêm phổi: Biến chứng này xảy ra khi trẻ bị bội nhiễm vi khuẩn cầu tụ như Influenzae type B và Haemophilus.
  • Viêm tai giữa: Đây là một biến chứng thường gặp khi trẻ bị sởi.
  • Viêm loét giác mạc, mù lòa.
  • Tiêu chảy và nôn ói nghiêm trọng, dẫn đến suy dinh dưỡng.
  • Tái bùng phát lao tiềm ẩn: Nếu trẻ mang vi khuẩn lao trong trạng thái bất hoạt trước đó, virus sởi có thể làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ, dẫn đến sự tái bùng phát bệnh lao.

PHÒNG NGỪA TRẺ BỊ SỞI

Hiện nay, phương pháp phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em an toàn và hiệu quả nhất là tiêm vacxin. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ từ 9 tháng tuổi cần được chủng ngừa vacxin Sởi đơn hoặc vacxin kết hợp Sởi – Quai bị – Rubella (loại Priorix) sớm, tuyệt đối không trì hoãn. 

Nếu việc tiêm vắc xin bị trì hoãn và trẻ được tiêm muộn hơn, điều này thường không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hệ miễn dịch của trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ không may tiếp xúc với nguồn bệnh, globulin miễn dịch có thể được sử dụng để ngăn ngừa sự phát triển của bệnh.

Ngoài việc tiêm vắc xin ngừa bệnh sởi, bố mẹ cũng nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác như tránh cho trẻ tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi. Cần giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ và đảm bảo môi trường sống luôn sạch sẽ, thoáng mát, vì môi trường ẩm thấp và kém vệ sinh là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh phát triển. Bên cạnh đó, bố mẹ cần chú ý vệ sinh mũi và mắt cho trẻ, đeo khẩu trang, và cho trẻ rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn khi đến những nơi đông người.

Bệnh sởi ở trẻ em là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việc nhận biết các biểu hiện, hiểu rõ về cách phòng ngừa và điều trị bệnh là rất quan trọng để giúp kiểm soát bệnh hiệu quả và giúp trẻ nhanh chóng hồi phục. Đặc biệt, nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng bất thường khi mắc bệnh, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để được hỗ trợ và điều trị kịp thời.


(*) Xem thêm:

Bình luận