VIÊM ÂM ĐẠO: DẤU HIỆU NHẬN BIẾT, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ
Viêm âm đạo là một trong những tình trạng viêm nhiễm vùng kín mà hầu hết chị em phụ nữ đều có thể gặp phải ít nhất một lần trong đời. Trong số các nguyên nhân gây viêm nhiễm, viêm phụ khoa do vi khuẩn chiếm tỷ lệ cao nhất, đặc biệt phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi 15 – 44. Bệnh lý này không chỉ gây ra những khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe sinh sản nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
VIÊM ÂM ĐẠO LÀ GÌ?
Viêm âm đạo là tình trạng viêm nhiễm tại âm đạo, thường gây ra các triệu chứng khó chịu như dịch tiết có mùi, ngứa ngáy và đau rát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Viêm âm đạo có thể được phân loại dựa trên nguyên nhân gây bệnh, bao gồm:
- Viêm do nấm Candida: Là nguyên nhân phổ biến gây ngứa và dịch âm đạo trắng, đặc như sữa chua.
- Viêm âm đạo do tạp khuẩn: Thường liên quan đến mất cân bằng hệ vi khuẩn tự nhiên của âm đạo, gây ra dịch có mùi tanh.
- Viêm do trùng roi Trichomonas: Đây là loại viêm nhiễm qua đường tình dục, gây ngứa, rát và tiết dịch màu xanh hoặc vàng.
- Viêm do lậu (Chlamydia): Một bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, thường gây đau khi tiểu và dịch mủ.
- Viêm do virus: Có thể do nhiều loại virus gây nên, trong đó có cả herpes và HPV.
- Viêm không lây nhiễm: Thường do các yếu tố không nhiễm trùng như dị ứng hoặc kích ứng từ các sản phẩm vệ sinh.
- Viêm teo âm đạo: Thường xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh, khi nồng độ estrogen giảm, gây khô và viêm âm đạo.
DẤU HIỆU VIÊM NHIỄM ÂM ĐẠO
Âm đạo của phụ nữ thường tiết dịch màu trắng trong hoặc hơi đục, giúp làm sạch các tế bào chết và ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn có hại. Đây là một cơ chế làm sạch tự nhiên rất quan trọng, đóng vai trò bảo vệ sức khỏe vùng kín. Dịch tiết âm đạo bình thường thường không gây cảm giác đau hay ngứa, và lượng dịch cũng thay đổi tùy theo thời điểm trong chu kỳ sinh lý. Có khi dịch rất ít và loãng, có khi lại nhiều và đặc hơn.
Tuy nhiên, khi dịch tiết âm đạo thay đổi bất thường về màu sắc, mùi hoặc lượng – ví dụ như dịch chuyển sang màu vàng hoặc trắng đục, có mùi hôi, tiết ra rất nhiều – đây có thể là dấu hiệu của viêm nhiễm. Các triệu chứng kèm theo như ngứa ngáy, đau khi quan hệ, rát buốt khi đi tiểu, hoặc chảy máu âm đạo nhẹ đều cần được lưu ý.
Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, nên đến gặp bác sĩ ngay, đặc biệt là khi có tiền sử nhiễm trùng âm đạo, quan hệ tình dục không an toàn, hoặc vừa hoàn thành đợt điều trị nhưng vẫn còn triệu chứng. Những biểu hiện như sốt, ớn lạnh, hoặc đau vùng chậu cũng là dấu hiệu cảnh báo, cần thăm khám sớm để phòng ngừa các biến chứng không mong muốn và bảo vệ sức khỏe vùng kín.
NGUYÊN NHÂN GÂY RA TÌNH TRẠNG ÂM ĐẠO BỊ VIÊM NHIỄM
Viêm âm đạo có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và thường gây ra những khó chịu không nhỏ cho người bệnh. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến:
1.Viêm âm đạo do nấm men (Candida): Nấm Candida là tác nhân phổ biến gây viêm nhiễm, thường có mặt trong môi trường âm đạo, miệng và đường tiêu hóa. Tuy nhiên, khi bị mất cân bằng vi khuẩn do tác động như dùng kháng sinh, mang thai, hoặc bệnh đái tháo đường, Candida phát triển quá mức và gây nhiễm trùng. Triệu chứng nhận biết bao gồm dịch tiết âm đạo đặc, trắng ngà, không mùi, kèm theo ngứa, đỏ, và cảm giác nóng rát.
2. Viêm âm đạo do vi khuẩn (BV):Đây là loại nhiễm trùng phổ biến, do sự phát triển quá mức của vi khuẩn tự nhiên trong âm đạo, gây mất cân bằng pH. Triệu chứng điển hình là dịch có mùi tanh, loãng, màu trắng đục, đặc biệt sau khi quan hệ. Đỏ, ngứa âm đạo ít phổ biến trừ khi nhiễm kèm nấm men.
3. Nhiễm trichomonas, chlamydia và viêm do virus
- Trichomonas: Gây dịch vàng xanh có bọt và mùi hôi, ngứa, đau, và nóng rát khi đi tiểu.
- Chlamydia: Phổ biến ở phụ nữ trẻ, thường không có triệu chứng nhưng có thể gây đau bụng dưới, chảy máu nhẹ.
- Virus: Herpes và HPV có thể gây loét và mụn cóc âm đạo, có nguy cơ ảnh hưởng đến vùng miệng, hậu môn khi quan hệ không an toàn. HPV có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.
4. Viêm âm đạo không lây nhiễm: Dị ứng hoặc kích ứng với các sản phẩm vệ sinh hoặc hóa chất như xà phòng thơm, tampon, cốc nguyệt san có thể gây ra viêm nhiễm. Triệu chứng thường là tiết dịch màu vàng hoặc xanh, ngứa, rát, đặc biệt ở phụ nữ mãn kinh.
5.Viêm teo âm đạo :Đây là dạng viêm ở phụ nữ mãn kinh hoặc sau khi giảm estrogen (do cắt bỏ buồng trứng, cho con bú, dùng thuốc điều trị ung thư). Triệu chứng bao gồm khô rát, đau khi quan hệ, tiểu rắt và có thể điều trị bằng thuốc estrogen.
CÁC YẾU TỐ RỦI RO
Thay đổi nội tiết tố: Mang thai, sử dụng thuốc tránh thai, giai đoạn tiền mãn kinh/mãn kinh, hoặc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng đều gây ra sự thay đổi hormone, ảnh hưởng đến sự cân bằng tự nhiên của âm đạo.
Sinh hoạt tình dục: Quan hệ tình dục thường xuyên, đặc biệt là với nhiều bạn tình hoặc không sử dụng bao cao su, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STD): Các bệnh như chlamydia, trichomonas, và herpes đều có thể dẫn đến viêm nhiễm âm đạo.
Sử dụng thuốc kháng sinh và steroid: Những loại thuốc này tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi trong âm đạo, gây mất cân bằng và tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển.
Chất diệt tinh trùng: Dùng để tránh thai nhưng có thể gây kích ứng và thay đổi pH âm đạo.
Bệnh đái tháo đường: Kiểm soát đường huyết kém có thể làm giảm hệ miễn dịch và gia tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Các sản phẩm dành cho vùng kín: Dung dịch vệ sinh phụ nữ, xịt âm đạo, và chất khử mùi âm đạo có thể gây kích ứng và làm mất cân bằng tự nhiên.
Thụt rửa âm đạo: Làm thay đổi hệ vi khuẩn tự nhiên, dễ dẫn đến nhiễm trùng.
Quần lót ẩm ướt hoặc bó sát: Môi trường ẩm ướt và chật hẹp giúp vi khuẩn và nấm men phát triển mạnh.
Dụng cụ tử cung (IUD): Một số phụ nữ dùng IUD để tránh thai nhưng điều này có thể gây ra những thay đổi vi khuẩn và pH trong âm đạo.
PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN VIÊM ÂM ĐẠO
Ngay khi có các dấu hiệu của viêm nhiễm phụ khoa, bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Để đánh giá tình trạng sức khỏe âm đạo, bác sĩ sẽ thực hiện các bước sau:
Xem lại bệnh sử: Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử nhiễm trùng âm đạo hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục trước đây của bạn để hiểu rõ hơn về nguy cơ và tiền sử bệnh lý.
Khám phụ khoa: Bác sĩ sử dụng mỏ vịt để kiểm tra bên trong âm đạo, nhằm phát hiện các dấu hiệu bất thường như viêm hoặc dịch tiết khác thường. Bạn nên tránh sử dụng băng vệ sinh, quan hệ tình dục hoặc thụt rửa trước buổi khám để đảm bảo kết quả khám chính xác.
Thu thập mẫu xét nghiệm: Trong quá trình khám, bác sĩ có thể lấy một mẫu dịch tiết từ âm đạo hoặc cổ tử cung để xét nghiệm. Kết quả sẽ giúp xác định chính xác loại viêm nhiễm mà bạn mắc phải, từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Kiểm tra độ pH: Bác sĩ sẽ kiểm tra độ pH âm đạo bằng que thử hoặc giấy đo pH. Độ pH cao có thể là dấu hiệu nhiễm trùng âm đạo do vi khuẩn hoặc trùng roi Trichomonas, tuy nhiên, cần kết hợp với các xét nghiệm khác để có chẩn đoán chính xác.
CÁCH PHÒNG VIÊM NHIỄM “VÙNG KÍN”
Để phòng ngừa viêm âm đạo và bảo vệ sức khỏe vùng kín, bạn nên tuân thủ các biện pháp sau:
Tránh tắm bồn nước nóng hoặc bồn tạo sóng: Thay vì ngâm mình trong bồn, hãy chọn tắm bằng vòi hoa sen để giảm nguy cơ viêm nhiễm.
Xả sạch xà phòng khỏi vùng kín: Sau khi tắm, hãy rửa sạch xà phòng hoặc sữa tắm khỏi vùng kín để tránh kích ứng. Không sử dụng xà phòng có tính tẩy mạnh như xà phòng khử mùi, xà phòng kháng khuẩn, hoặc gel tẩy tế bào chết.
Giữ vùng kín khô ráo: Đảm bảo vùng kín luôn được khô thoáng để ngăn ngừa kích ứng và giảm nguy cơ viêm nhiễm.
Lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh: Cách lau này ngăn vi khuẩn từ hậu môn lây lan vào âm đạo.
Không thụt rửa vùng kín: Thụt rửa không giúp ngăn ngừa nhiễm trùng mà còn làm mất cân bằng hệ vi sinh có lợi, gia tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Sử dụng bao cao su: Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục để tránh nhiễm trùng lây qua đường tình dục.
Chọn đồ lót bằng vải cotton: Vải cotton thông thoáng và thấm hút tốt, giúp giảm độ ẩm ở vùng kín, hạn chế sự phát triển của nấm men và vi khuẩn gây bệnh.
Các thói quen này sẽ góp phần giữ cho vùng kín luôn sạch sẽ và ngăn ngừa nguy cơ viêm nhiễm hiệu quả.
Viêm âm đạo là một căn bệnh “khó nói” mà nhiều chị em phụ nữ phải đối mặt, tuy nhiên, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng. Khi có dấu hiệu bất thường như ngứa, khí hư ra nhiều, hoặc đau khi quan hệ, bạn nên chủ động thăm khám để nhận được chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị hiệu quả. Ngoài ra, việc kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần cũng giúp phát hiện sớm những vấn đề tiềm ẩn, từ đó bảo vệ sức khỏe sinh sản và chất lượng cuộc sống của bạn.
Với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, Khoa Sản phụ tại Bệnh viện Đa khoa Medic Bình Dương mang đến dịch vụ khám và điều trị các bệnh phụ khoa chuyên sâu. Bên cạnh điều trị viêm âm đạo, khoa còn chuyên điều trị các bệnh lý khác như viêm lộ tuyến cổ tử cung, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, rối loạn kinh nguyệt và bệnh ở tuyến vú. Liên hệ trực tiếp qua số hotline 0915.045.115 hoặc truy cập trang web https://medicbinhduong.vn/ để được tư vấn.
Xem thêm