GAI CỘT SỐNG: DẤU HIỆU NHẬN BIẾT, NGUYÊN NHÂN VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ

21/08/2024 | 77 |
0 Đánh giá

Khi mới xuất hiện, gai cột sống thường khó phát hiện vì không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, theo thời gian, gai cột sống ngày càng lớn, gây chèn ép dây thần kinh và tủy sống. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ phải chịu đựng cơn đau kéo dài, thậm chí có nguy cơ bại liệt và mất khả năng lao động.

Cột sống không chỉ là trụ cột vững chắc của cơ thể mà còn là trung tâm thần kinh, kiểm soát và điều khiển toàn bộ các khớp xương thông qua hệ thống cơ bắp, dây chằng và thần kinh, giúp con người có khả năng vận động linh hoạt.

Cấu trúc cột sống gồm 33 – 35 đốt sống, tạo thành khung bảo vệ tủy sống và các rễ thần kinh, kéo dài từ cổ xuống tới phần hông. Bất kỳ tác động nào ảnh hưởng đến cột sống đều có thể gây ra đau đớn và dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể.

GAI CỘT SỐNG LÀ GÌ?

Gai cột sống, hay còn gọi là gai đốt sống (Osteophyte), là một phần không thể tránh khỏi của quá trình lão hóa tự nhiên. Khi cơ thể lão hóa, đĩa đệm dần mất nước và hao mòn, các dây chằng cố định xương cũng trở nên lỏng lẻo. Để chống lại quá trình này, cơ thể tạo ra các mấu xương, hay gai xương, mọc thêm ở phía ngoài và hai bên cột sống nhằm duy trì sự ổn định và giảm căng thẳng cho cột sống. Dần dần, điều này dẫn đến sự hình thành gai cột sống, một biến chứng của bệnh thoái hóa cột sống.

Gai cột sống có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cột sống, nhưng thường gặp nhất ở những khu vực chịu nhiều áp lực như đốt sống cổ và đốt sống thắt lưng. Mỗi dạng gai xương ở từng vị trí sẽ có những đặc điểm riêng biệt.

PHÂN LOẠI GAI CỘT SỐNG

1. Gai đốt sống cổ

Gai cột sống cổ (Cervical Osteophytes) là một dạng thoái hóa tại đốt sống cổ, gây chèn ép các dây thần kinh trong khu vực này.

Đây là một bệnh lý xương khớp nguy hiểm, tiến triển chậm và có các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với những bệnh khác. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh gây cản trở hoạt động bình thường của cột sống. Tùy thuộc vào vị trí chèn ép (như tủy cổ, rễ thần kinh vùng cổ, động mạch sống, v.v.), gai cột sống cổ có thể gây ra các hội chứng điển hình như hội chứng cổ – vai, hội chứng cổ – vai – cánh tay, hội chứng động mạch đốt sống – thân mềm, và hội chứng chèn ép tủy cổ.

Bệnh nhân sẽ được thực hiện các biện pháp nắn chỉnh các đốt sống để giảm áp lực lên các khớp, đĩa đệm và dây thần kinh. Bác sĩ có thể xây dựng phác đồ điều trị bao gồm các phương pháp kết hợp như kéo giảm áp DTS, chiếu tia laser cường độ cao, và chương trình tập phục hồi chức năng, tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Bên cạnh phương pháp điều trị tích cực, việc duy trì chế độ tập luyện, vận động, sinh hoạt lành mạnh, cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, là những yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo vệ sức khỏe cột sống cổ cho người bệnh.

2. Gai đốt sống thắt lưng

Nằm giữa lồng xương sườn và xương chậu, cột sống thắt lưng là một chuỗi các đốt sống nối liền nhau, được bảo vệ bởi thân đốt sống và các đĩa đệm ở phía trước, dây chằng vành và các cung đốt sống ở phía sau, cùng với các cuống sống, vòng cung và lỗ ghép ở hai bên.

Gai cột sống thắt lưng (Lumbar Osteophytes) là sự phát triển thêm của xương do quá trình xơ hóa xương dưới sụn và sụn khớp ở cột sống lưng bị bào mòn. Hầu hết những người mắc bệnh này có triệu chứng kéo dài trong một thời gian, sau đó biến mất. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể tái phát, đôi khi chỉ cần một cử động đột ngột cũng đủ để kích hoạt chúng.

Gai cột sống thắt lưng là một bệnh mạn tính với tiến triển tăng dần, gây biến dạng cột sống thắt lưng mà không kèm theo biểu hiện viêm. Bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, bao gồm phần giữa cột sống, gây đau nhức lưng dưới, và các phần ngạnh của xương sống do gai xương nhô ra và tác động đến các vị trí khác trên cột sống.

NGUYÊN NHÂN GÂY GAI CỘT SỐNG

Gai xương sống phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nhìn chung chủ yếu là do sụn khớp và đĩa đệm phải chịu áp lực kéo dài và thường xuyên. Điều này dẫn đến tổn thương và bào mòn sụn dưới xương, hình thành các gai xương, gây đau và hạn chế cử động của khớp.

Các nguyên nhân chính gây ra gai đốt sống:

  • Thoái hóa cột sống: Đây là nguyên nhân chính dẫn đến gai đốt sống. Thoái hóa cột sống khiến sụn khớp bị bào mòn và dễ nứt vỡ. Khi cơ thể phát hiện sự bất thường này, quá trình "bồi đắp canxi" sẽ được kích hoạt. Tuy nhiên, quá trình này thường diễn ra không đồng đều, dẫn đến tình trạng thiếu và thừa canxi. Các vùng thiếu canxi sẽ hình thành hõm xương, trong khi các vùng thừa canxi sẽ trở nên gồ ghề, lâu ngày tạo thành gai xương.
  • Viêm khớp cột sống mãn tính: Đây là hiện tượng hai bề mặt xương cọ xát vào nhau, gây tổn thương. Để giảm bớt áp lực và cọ xát, cơ thể sẽ tự điều chỉnh, nhưng quá trình này có thể dẫn đến xơ hóa và mọc gai xương ở đốt sống.
  • Lắng đọng canxi: Hiện tượng này thường xảy ra ở các dây chằng và gân tiếp xúc với đốt sống do quá trình lão hóa, dẫn đến hình thành gai xương.
  • Yếu tố di truyền: Một số người có gen di truyền khiến đĩa đệm yếu hơn bình thường, dễ dẫn đến gai xương từ khi còn trẻ. Nếu trong gia đình có nhiều người bị gai xương cột sống, nguy cơ di truyền bệnh sẽ cao hơn.
  • Chấn thương: Các chấn thương có thể gây thoát vị đĩa đệm. Quá trình tự sửa chữa của xương sau chấn thương là nguyên nhân hình thành gai xương.

ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH GAI CỘT SỐNG

  • Người lớn tuổi: Đặc biệt là người già, do quá trình lão hóa và lắng đọng canxi.
  • Người thường xuyên vận động nặng: Những người làm công việc đòi hỏi khuân vác hoặc gây áp lực lớn cho cột sống.
  • Người bị viêm khớp cột sống mãn tính.
  • Người có tiền sử chấn thương hoặc tai nạn.
  • Người thừa cân hoặc có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích.

TRIỆU CHỨNG BỆNH GAI CỘT SỐNG

Gai cột sống có kích thước rất nhỏ và thường chỉ xuất hiện ở mặt trước và bên của cột sống, vì vậy không phải ai cũng có triệu chứng rõ ràng và phát hiện sớm. Bệnh có thể âm ỉ trong nhiều năm mà không gây ra biểu hiện gì đáng chú ý. Chỉ khi gai xương cọ xát với các xương khác hoặc chèn ép dây chằng, rễ thần kinh, người bệnh mới cảm nhận được cơn đau.

Các dấu hiệu rõ ràng nhất của bệnh bao gồm:

  • Đau ở vùng cổ, vai, thắt lưng, cơn đau tăng lên khi di chuyển hoặc vận động và giảm khi nghỉ ngơi.
  • Đau tê từ cổ lan ra hai tay hoặc đau từ lưng dọc xuống hai chân.
  • Giảm khả năng vận động ở cổ, cánh tay, và tay.
  • Mất cân bằng cơ thể, cơ bắp hoặc tay chân trở nên yếu đi.
  • Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể mất kiểm soát tiểu tiện và đại tiện.

Ở những trường hợp rất nặng, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng rối loạn thần kinh thực vật, bao gồm rối loạn các phản xạ tự động, tăng tiết mồ hôi, và suy giảm hô hấp.

BỆNH GAI CỘT SỐNG CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Gai cột sống là một bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, và khả năng vận động của người bệnh. Nếu không được phát hiện sớm hoặc điều trị đúng cách, bệnh có thể dẫn đến nguy cơ tàn phế, khiến người bệnh mất khả năng vận động.

Khi bị gai cột sống ở thắt lưng, người bệnh thường cảm thấy đau ở giữa thắt lưng hoặc lan xuống vùng hông. Cơn đau trở nên dữ dội hơn khi vận động, khiến người bệnh khó có thể tiếp tục công việc. Nếu gai cột sống xảy ra ở vùng cổ, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau nửa đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ. Đặc biệt, nếu kèm theo thoát vị đĩa đệm vùng cổ, các rễ thần kinh bị chèn ép sẽ gây ra đau và tê lan xuống vai, cánh tay, cẳng tay. Về lâu dài, bệnh có thể dẫn đến biến chứng vẹo, gù cột sống, yếu cơ, và teo cơ ở tay hoặc chân.

BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM NẾU KHÔNG ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ KỊP THỜI

  • Thay đổi huyết áp: Rối loạn thần kinh thực vật có thể gây ra biến chứng này, dẫn đến huyết áp không ổn định, có thể tăng cao hoặc giảm thấp, làm người bệnh dễ mắc các rối loạn hô hấp.
  • Thoát vị đĩa đệm: Hệ thống dây thần kinh bị chèn ép quá mức sẽ làm thoái hóa các phần bị chèn ép, dẫn đến thoát vị đĩa đệm. Nếu không xử lý kịp thời, có thể gây teo cơ và bại liệt.
  • Rối loạn tiền đình: Thường xảy ra ở những người bị thoái hóa cột sống cổ, do sự hạn chế trong lưu thông máu và oxy lên não, gây ra tình trạng rối loạn tiền đình.
  • Bại liệt, mất khả năng lao động: Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất, xảy ra khi hệ thống dây thần kinh bị chèn ép quá lâu, áp lực từ cột sống làm các dây thần kinh mất dần chức năng vận động, dẫn đến bại liệt.

ĐIỀU TRỊ GAI CỘT SỐNG

Không có gì có thể chống lại quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, và gai đốt sống là một phần của quá trình này. Do đó, không có phương pháp điều trị nào có thể đảo ngược hoàn toàn sự lão hóa. Hiện nay, việc điều trị gai đốt sống chủ yếu tập trung vào ba phương pháp chính.

  • Sử dụng thuốc để làm dịu các cơn đau tức thời.
  • Thực hiện các bài tập và trị liệu thần kinh cột sống.
  • Phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng, chỉ được xem xét khi gai xương đã phát triển quá lớn.

Phát hiện gai cột sống càng sớm thì khả năng điều trị thành công càng cao. Những người trên 30 tuổi nên thường xuyên kiểm tra cột sống định kỳ để phát hiện bệnh kịp thời. Để điều trị hiệu quả, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, thay đổi thói quen sinh hoạt, thường xuyên tập thể dục phù hợp với thể trạng, cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, sẽ giúp hỗ trợ quá trình hồi phục của đĩa đệm.

BIỆN PHÁP CHĂM SÓC CHO NGƯỜI BỊ GAI CỘT SỐNG

Chăm sóc tại nhà đóng vai trò rất quan trọng đối với những bệnh nhân mắc bệnh gai cột sống. Các biện pháp khắc phục tại nhà như chườm ấm hoặc chườm đá có thể giúp giảm đau lưng và cổ hiệu quả.

Các phương pháp chăm sóc cơ bản cho người bệnh bao gồm:

  • Để bệnh nhân nghỉ ngơi, hạn chế đi lại khi đang đau, và nằm ở tư thế thoải mái nhất.
  • Hướng dẫn bệnh nhân cách tập luyện các khớp để giảm thiểu nguy cơ thoái hóa và biến dạng khớp.
  • Cung cấp chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung năng lượng và trái cây tươi.
  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày.
  • Hướng dẫn bệnh nhân cách tự theo dõi các tác dụng phụ của thuốc.
  • Đảm bảo bệnh nhân uống thuốc và tiêm thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cơ bản theo chỉ dẫn y tế.

NGƯỜI BỊ GAI CỘT SỐNG NÊN KIÊNG GÌ VÀ ĂN GÌ?

Ngoài yếu tố tuổi tác, thiếu hụt dưỡng chất cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh xương khớp. Người mắc gai cột sống cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng, đảm bảo cung cấp đầy đủ các dưỡng chất, đặc biệt là những thực phẩm giàu canxi. Nên tránh xa đồ ăn nhanh và thực phẩm nhiều dầu mỡ. Kiểm soát cân nặng cũng rất quan trọng, vì tăng cân quá nhanh, thừa cân, hoặc béo phì sẽ tạo áp lực lớn lên hệ xương khớp, làm tình trạng thoái hóa đốt sống cổ trở nên trầm trọng hơn.

BÀI TẬP THỂ DỤC CHO NGƯỜI MẮC GAI CỘT SỐNG

Tập thể dục đều đặn, đặc biệt với các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, và bơi lội, có thể giúp làm chậm quá trình thoái hóa cột sống. Luôn duy trì tư thế đúng cho cột sống, đảm bảo lưng và cổ có chỗ dựa, điều chỉnh màn hình máy tính hay sách vở ngang tầm mắt, và thường xuyên thay đổi tư thế để tránh căng thẳng cho cột sống. Nên tránh các môn thể thao có cường độ cao như cử tạ hoặc thể dục dụng cụ, vì chúng có thể gây áp lực lớn lên cột sống và làm tăng nguy cơ thoái hóa.

CÁCH PHÒNG NGỪA GAI CỘT SỐNG

Chăm sóc cột sống khỏe mạnh và duy trì đường cong sinh lý tự nhiên là một phương pháp phòng ngừa hiệu quả các bệnh lý liên quan đến cột sống. Cụ thể, tránh ngồi quá lâu và sai tư thế, không đứng hoặc ngồi hàng giờ ở một tư thế không tốt, và tránh nằm quá lâu ở tư thế không thoải mái.

Mặc dù quá trình lão hóa là điều không thể tránh khỏi khi tuổi tác tăng, chúng ta có thể làm chậm sự thoái hóa bằng cách tập thể dục thường xuyên và vận động nhẹ nhàng để duy trì sự linh hoạt cho các cơ và đốt sống. Nếu xuất hiện cơn đau, nên ngưng ngay các hoạt động thể lực để tránh làm tình trạng tồi tệ hơn.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ cũng rất quan trọng, đặc biệt là bổ sung thực phẩm giàu canxi, đồng thời hạn chế chất béo và đường để kiểm soát cân nặng.

Sử dụng các nẹp hỗ trợ như nẹp cổ, nẹp thắt lưng có thể giúp giảm đau và khó chịu, nhưng không nên lạm dụng trong thời gian dài. Khi đau cấp, có thể áp dụng phương pháp đắp nóng hoặc lạnh tại vùng đau. Trong 48-72 giờ đầu tiên, áp dụng lạnh, sau đó dùng phương pháp nhiệt nóng (như tắm nóng, khăn nóng, hay túi chườm nóng) nếu cơn đau kéo dài. Ngủ trên nệm cứng và không cần gối, hoặc sử dụng gối đặc biệt, cũng là cách hiệu quả để phòng ngừa gai cột sống.

Khoa Cơ xương khớp tại Bệnh viện Đa Khoa Medic Bình Dương là nơi quy tụ đội ngũ y bác sĩ Cơ xương khớp giàu kinh nghiệm. Bệnh viện được trang bị hệ thống máy móc và trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại, giúp phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp. Để đặt lịch thăm khám và điều trị, vui lòng liên hệ qua số hotline: 0915.045.115 hoặc truy cập website medicbinhduong.vn để được tư vấn.


(*) Xem thêm:

Bình luận