GHẺ NƯỚC LÀ GÌ? CÁCH NHẬN BIẾT, ĐIỀU TRỊ VÀ NGĂN NGỪA LÂY LAN

21/10/2024 | 158 |
0 Đánh giá

Bệnh ghẻ nước là một tình trạng da thường gặp, đặc biệt phổ biến ở các nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Đây là bệnh dễ lây lan và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Vậy ghẻ nước là gì? Nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng nhận biết, phương pháp điều trị và cách phòng ngừa như thế nào?

GHẺ NƯỚC LÀ BỆNH GÌ?

Bệnh ghẻ nước là do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei hominis (cái ghẻ/ve ghẻ) gây ra. Những ký sinh trùng này có kích thước siêu nhỏ, với 8 chân, sống bằng cách đào hang và ẩn nấp trong lớp thượng bì da, gây ra tình trạng ngứa dữ dội, phát ban, và có thể dẫn đến nhiễm trùng. Cái ghẻ chỉ ký sinh trong lớp sừng của da, không bao giờ chui sâu xuống dưới. Các hang do chúng tạo ra có hình dạng ngoằn ngoèo, nhô lên bề mặt da, có màu xám hoặc màu da và thường dài trên 1cm. Một số chủng ghẻ từ động vật như chó, mèo, gà, khỉ cũng có khả năng lây sang người.

NGUYÊN NHÂN BỊ GHẺ NƯỚC

Nguyên nhân chính gây bệnh ghẻ nước là do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei (cái ghẻ) xâm nhập và đào hang để ký sinh trên da. Cái ghẻ thường lây lan qua hai con đường chính: từ người sang người hoặc từ môi trường xung quanh. Sau khi bám vào da, mỗi con Sarcoptes scabiei có thể đẻ từ 1 đến 5 trứng mỗi ngày. Trứng sẽ nở thành ấu trùng trong khoảng 3 đến 7 ngày. Ấu trùng trải qua nhiều lần lột xác để trở thành ghẻ trưởng thành, tiếp tục ký sinh trên vùng da lân cận hoặc lây nhiễm sang người khác.

YẾU TỐ NGUY CƠ

1. Tiếp xúc da với da

Việc tiếp xúc da gần với người bị ghẻ nước, đặc biệt là trường hợp ghẻ vảy (hay còn gọi là ghẻ Na Uy), làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ký sinh trùng ghẻ có thể dễ dàng bám vào và bắt đầu ký sinh trên da người khác qua những tiếp xúc này. Sau khi lây nhiễm, cái ghẻ sẽ đào hang và trú ngụ trong da. Thông thường, khoảng 4 – 6 tuần sau, cơ thể người bệnh mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng do hệ miễn dịch phản ứng chống lại ký sinh trùng.

Do đó, các bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Da khuyến cáo rằng người bệnh cần điều trị đồng thời cho cả những người thân hoặc những người có tiếp xúc gần gũi với họ, ngay cả khi những người này chưa xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh ghẻ.

2. Tiếp xúc với đồ vật chung

Việc tiếp xúc hoặc dùng chung các đồ dùng cá nhân như chăn, màn, khăn, quần áo,… với người mắc bệnh ghẻ nước có thể làm tăng nguy cơ lây lan bệnh. Ký sinh trùng cái ghẻ có khả năng bám vào các vật dụng này và từ đó xâm nhập vào da của người khác, tạo điều kiện cho sự lây nhiễm gián tiếp.

3. Môi trường sống

Môi trường sống đông đúc, kém vệ sinh, nhiều nấm mốc và độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của ký sinh trùng gây bệnh ghẻ. Trong những điều kiện này, cái ghẻ có nhiều cơ hội hơn để bám vào da và gây bệnh, làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho những người sống trong cùng môi trường.

4. Hệ miễn dịch yếu

Khi hệ thống miễn dịch yếu, cơ thể dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của cái ghẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho ký sinh trùng phát triển. Cơ thể người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chống lại mầm bệnh, đồng thời khả năng phát triển miễn dịch đối với ký sinh trùng cũng bị suy giảm, khiến quá trình điều trị trở nên phức tạp hơn.

GHẺ NƯỚC PHỔ BIẾN Ở ĐỐI TƯỢNG NÀO?

Bệnh ghẻ nước phổ biến ở mọi đối tượng và bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm khi ký sinh trùng cái ghẻ tấn công.

1. Ở người lớn 

Người lớn, đặc biệt là những người làm việc trong môi trường kém vệ sinh, dễ bị ghẻ nước tấn công. Nguy cơ lây lan cao khi có tiếp xúc da kề da với người bệnh, tạo điều kiện cho cái ghẻ xâm nhập và ký sinh.

2. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ mắc ghẻ nước do làn da nhạy cảm và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Tổn thương trên da trẻ do ghẻ gây ra có thể nhanh chóng chuyển thành các vết phồng rộp, mưng mủ, sưng đau và gây ngứa dữ dội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự thoải mái của trẻ.

DẤU HIỆU BỊ GHẺ NƯỚC

Các dấu hiệu của bệnh ghẻ nước bao gồm:

1. Ngứa dữ dội thường trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm.

2. Các đường hầm mỏng, gợn sóng trên da, hình thành từ các mụn nước hoặc vết sưng nhỏ do cái ghẻ đào hang.

3. Phát ban, biểu hiện qua các vết sưng nhỏ giống như vết cắn, nốt sần dưới da, hoặc mụn nhọt.

Nếu người bệnh đã từng bị ghẻ trước đó, các dấu hiệu có thể xuất hiện trong vòng vài ngày sau khi ký sinh trùng xâm nhập. Tuy nhiên, nếu đây là lần đầu tiên mắc bệnh, các triệu chứng thường xuất hiện muộn, có thể mất đến 6 tuần mới có dấu hiệu đầu tiên như ngứa hoặc phát ban. Ngay cả khi chưa có triệu chứng, người nhiễm bệnh vẫn có khả năng lây truyền ghẻ nước cho người khác.

CÁC VỊ TRÍ GHẺ NƯỚC

1. Ở tay và kẽ ngón tay

Cái ghẻ thường ký sinh ở vùng da non trên cơ thể và đặc biệt là giữa các ngón tay, vì đây là nơi trú ẩn lý tưởng. Khi cái ghẻ chui vào da, nó gây ra ngứa dữ dội và phát ban. Da ở ngón tay và kẽ ngón tay thường mỏng, nên nếu cào gãi nhiều, có thể dẫn đến nhiễm trùng da.

2. Ở chân và kẽ ngón chân 

Tương tự như ở tay, chân và kẽ ngón chân cũng là những vị trí ưa thích của ghẻ nước. Ngoài ghẻ nước, kẽ ngón chân cũng dễ bị các bệnh da liễu khác như nấm kẽ chân hay nhiễm trùng da do vệ sinh kém hoặc thói quen đi giày ẩm.

3. Ở vùng kín 

Ghẻ nước cũng được xem là một bệnh nhiễm ký sinh lây qua đường tình dục (STI). Khi quan hệ với người mắc bệnh, ghẻ có thể lây truyền qua tiếp xúc gần da, bám vào bộ phận sinh dục và vùng kín, gây bệnh.

4. Ở mặt (môi, miệng, mắt) 

Bệnh ghẻ nước thường ít ảnh hưởng đến mặt, ngoại trừ trẻ sơ sinh và những người bị ghẻ đóng vảy. Tuy nhiên, khu vực quanh môi và miệng có thể thường xuyên bị ghẻ lở tấn công hơn.

5. Ở mông

Mông cũng là vị trí thường xuyên bị ghẻ nước tấn công. Không chỉ giới hạn ở khu vực này, Sarcoptes scabiei gây ghẻ có thể ký sinh ở bất kỳ đâu trên cơ thể, đào hang và gây ngứa, phát ban ở các vùng dễ ứ đọng mồ hôi như bụng, lưng và nách.

BỆNH GHẺ NƯỚC CÓ LÂY KHÔNG?

Bệnh ghẻ nước có khả năng lây lan từ người sang người. Cái ghẻ có thể truyền qua tiếp xúc trực tiếp da kề da với người nhiễm bệnh hoặc thông qua việc sử dụng các vật dụng như quần áo, chăn, ga trải giường, khăn tắm, hoặc các đồ dùng khác đã tiếp xúc với da của người bệnh. Bệnh cũng có thể lây qua quan hệ tình dục.

Ngoài ra, bệnh ghẻ dễ lây lan trong các khu vực có mật độ dân cư cao như viện dưỡng lão, trường nội trú và nhà ở tập thể. Ai cũng có thể mắc bệnh ghẻ, bao gồm cả bác sĩ, y tá, giáo viên, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh và người già.

Nhiễm bệnh ghẻ không phải là dấu hiệu của việc vệ sinh kém, bất cẩn hay quan hệ tình dục bừa bãi. Khi một người bị ghẻ, cái ghẻ trưởng thành sẽ đào hang trong da và đẻ trứng trên đường đi. Sau khoảng 3 đến 9 ngày, trứng sẽ nở và ấu trùng di chuyển lên bề mặt da qua các đường hầm. Tại đây, chúng trưởng thành và giao phối, tiếp tục lây nhiễm cho người khác qua da.

GHẺ NƯỚC CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Ghẻ nước thường không nguy hiểm, nhưng là một bệnh da liễu phổ biến do ký sinh trùng gây ra và dễ lây lan. Bệnh có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc uống hoặc thuốc bôi ngoài da. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách, bệnh có thể tiến triển nặng, dẫn đến sự gia tăng số lượng ký sinh trùng với tốc độ nhanh, gây ra một số biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh ghẻ có thể gây lở loét da và các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng máu, bệnh tim, và các vấn đề về thận. Vì vậy, các bác sĩ Da liễu khuyến cáo người bệnh nên điều trị sớm để nhanh chóng loại bỏ ký sinh trùng, trứng và ấu trùng của chúng. Đồng thời, cần điều trị cho cả những người có tiếp xúc gần gũi với người bệnh nhằm ngăn ngừa sự lây lan và tái phát của bệnh.

CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH GHẺ NƯỚC

Không có biện pháp nào có thể hoàn toàn phòng ngừa bệnh ghẻ nước. Tuy nhiên, nếu đã mắc bệnh, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp để ngăn ngừa bệnh tái phát và giữ cho cái ghẻ không lây sang người khác như sau:

1. Giặt tất cả quần áo, chăn màn, khăn… với nước nóng: Nhiệt độ cao sẽ tiêu diệt cái ghẻ và trứng của chúng. Hãy sử dụng nước xà phòng nóng để giặt tất cả quần áo, khăn tắm và ga trải giường đã sử dụng trong 3 ngày trước khi bắt đầu điều trị. Sau đó, sấy khô bằng nhiệt độ cao.

2. Bỏ đói cái ghẻ: Đối với những món đồ không thể giặt, hãy cho chúng vào túi nhựa, bịt kín và để ở nơi kín đáo trong một tuần. Cái ghẻ sẽ chết sau vài ngày không có thức ăn.

3. Vệ sinh nơi ở thường xuyên: Duy trì việc dọn dẹp nhà cửa để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh ghẻ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người bị ghẻ đóng vảy. Hãy hút bụi đồ nội thất, thảm và sàn nhà để loại bỏ vảy và lớp vỏ có thể chứa trứng ghẻ.

Điều trị ghẻ nước không khó, nhưng điều quan trọng là phải loại bỏ hoàn toàn ký sinh trùng gây bệnh và hạn chế khả năng tái phát. Khoa Da liễu tại Bệnh viện Đa khoa Medic Bình Dương có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm trong việc khám và điều trị các vấn đề về da. Để đặt lịch khám, bạn có thể liên hệ trực tiếp qua số hotline 0915.045.115 hoặc truy cập trang web https://medicbinhduong.vn/ để được tư vấn.


(*) Xem thêm:

Bình luận