VIÊM PHẾ QUẢN CẤP Ở TRẺ CÓ NGUY HIỂM KHÔNG? BIẾN CHỨNG VÀ CÁCH NHẬN BIẾT

18/09/2024 | 31 |
0 Đánh giá

Viêm phế quản cấp là một bệnh lý hô hấp phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh này thường dễ nhầm lẫn với viêm phổi và viêm tiểu phế quản do có các triệu chứng tương tự. Vậy viêm phế quản cấp ở trẻ em là gì? Viêm phế quản cấp ở trẻ có nguy hiểm không và biến chứng là gì?

VIÊM PHẾ QUẢN CẤP Ở TRẺ EM LÀ GÌ?

Viêm phế quản cấp ở trẻ em là tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở phế quản, đoạn nối giữa khí quản và phổi. Bình thường, lớp niêm mạc của phế quản sản xuất chất nhầy để bảo vệ các cơ quan hô hấp. Tuy nhiên, khi phế quản bị viêm, chúng sẽ sưng đỏ và tiết nhiều dịch nhầy, gây cản trở quá trình lưu thông không khí. Điều này dẫn đến các triệu chứng khó chịu như ho, khó thở và có thể kèm theo sốt nhẹ. Bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ em thường tiến triển nhanh, biểu hiện ở mức độ nhẹ và không kéo dài.

NGUYÊN NHÂN VIÊM PHẾ QUẢN CẤP Ở TRẺ EM

Phần lớn trẻ bị viêm phế quản cấp do sự lây nhiễm của virus, nhưng cũng có thể bị gây ra bởi các tác nhân khác như vi khuẩn, nấm mốc, hoặc ký sinh trùng. Vì lý do này, bệnh có thể xảy ra quanh năm và rất khó để phòng ngừa tuyệt đối.

Virus thường tấn công các cơ quan như mũi, xoang, và cổ họng trước khi lan đến niêm mạc của phế quản, gây sưng viêm và tăng tiết dịch nhầy, dẫn đến các triệu chứng khó chịu. Trẻ em dễ bị nhiễm virus hơn khi vừa khỏi các bệnh cảm lạnh hoặc các bệnh lý viêm nhiễm khác liên quan đến đường hô hấp trên như mũi, miệng, và cổ họng.

Một số chủng virus phổ biến gây viêm phế quản cấp ở trẻ em bao gồm Hợp bào hô hấp (RSV), virus Cúm, Á cúm, Rhinovirus và Adenovirus. Trong đó, Adenovirus và Rhinovirus là hai nguyên nhân thường gặp nhất. Tỷ lệ mắc bệnh do virus Cúm A-B, RSV, và Coronavirus thường tăng cao trong những tháng mùa đông khi thời tiết trở lạnh. Ngược lại, Rhinovirus thường gây bệnh nhiều hơn vào mùa xuân và mùa thu, trong khi vào mùa hè, trẻ dễ nhiễm bệnh từ Enterovirus.

TRIỆU CHỨNG VIÊM PHẾ QUẢN CẤP Ở TRẺ NHỎ

Bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ em thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng nhẹ, nhưng có thể trở nặng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Các triệu chứng phổ biến khi trẻ mắc bệnh bao gồm:

- Nghẹt mũi, chảy nước mũi

- Đau họng, ho khan, hoặc ho có đờm

- Sốt nhẹ

- Ớn lạnh

- Khò khè

- Đau mỏi cơ, toàn thân

- Buồn nôn

Những triệu chứng này thường sẽ giảm dần và biến mất sau khoảng 1-2 tuần nếu được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, triệu chứng ho có thể kéo dài hơn và cần khoảng 3-4 tuần mới khỏi hoàn toàn.

TRẺ NÀO CÓ NGUY CƠ BỊ VIÊM PHẾ QUẢN CẤP?

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm phế quản cấp ở trẻ em bao gồm:

- Sống trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, và các chất kích ứng.

- Trẻ sinh non hoặc có hệ miễn dịch yếu.

- Trẻ vừa mới bị cảm lạnh.

- Trẻ mắc các bệnh lý khác như trào ngược dạ dày thực quản, viêm xoang mạn tính, viêm amidan, hen suyễn, hoặc dị ứng.

VIÊM PHẾ QUẢN CẤP Ở TRẺ EM CÓ LÂY KHÔNG?

Tác nhân gây viêm phế quản cấp ở trẻ em có thể lây lan từ người này sang người khác qua hai con đường: trực tiếp và gián tiếp.

Phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh xảy ra khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Trẻ khỏe mạnh có thể nhiễm virus hoặc vi khuẩn gây bệnh thông qua việc hít phải các giọt bắn chứa tác nhân bệnh, được phát tán ra môi trường khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc nói chuyện. Trẻ cũng có thể lây bệnh khi tiếp xúc với dịch tiết từ đường hô hấp của người bệnh. Vì vậy, bệnh dễ lây lan tại những nơi đông người như trường học, nhà trẻ,...

Ngoài ra, một số chủng virus và vi khuẩn có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, bám vào các bề mặt như bàn, tay nắm cửa, hay các vật dụng cá nhân (khăn mặt, ly, chén, thìa,...). Khi trẻ vô tình chạm tay vào các bề mặt này rồi đưa lên mặt (mắt, mũi, miệng), tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể và gây viêm phế quản cấp. Đây chính là hình thức lây nhiễm gián tiếp.

VIÊM PHẾ QUẢN CẤP Ở TRẺ CÓ NGUY HIỂM HAY KHÔNG?

Nhiều bậc phụ huynh lo lắng về mức độ nguy hiểm của viêm phế quản cấp ở trẻ em. Theo các bác sĩ, nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, viêm phế quản cấp thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, nếu không được nhận biết và chữa trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:

- Viêm phế quản cấp có thể tiến triển thành viêm phổi.

- Tràn dịch màng phổi, và trong những trường hợp nặng nhất, có thể đe dọa tính mạng.

BIẾN CHỨNG VIÊM PHẾ QUẢN CẤP Ở TRẺ

Phần lớn trẻ bị viêm phế quản cấp sẽ hồi phục mà không gặp phải biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể dẫn đến viêm phổi.

Nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, viêm phế quản cấp có thể gây ra một số biến chứng tiềm ẩn khác, bao gồm:

- Hội chứng suy hô hấp cấp tính

- Tràn khí màng phổi

- Tràn khí trung thất

- Triệu chứng kéo dài

PHÒNG NGỪA VIÊM PHẾ QUẢN CẤP Ở TRẺ NHỎ

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời là cách tốt nhất để xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc, bởi sữa mẹ cung cấp dinh dưỡng lý tưởng và nhiều kháng thể không thể thay thế. Để nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc viêm phế quản cấp, các bậc phụ huynh có thể thực hiện những biện pháp sau:

- Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu của từng lứa tuổi.

- Giữ ấm cho trẻ: Đặc biệt là khi thời tiết chuyển lạnh hoặc thay đổi thất thường.

- Vệ sinh răng miệng: Tập cho trẻ thói quen vệ sinh răng miệng và súc miệng với nước muối thường xuyên.

- Rửa tay đúng cách: Hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng khử khuẩn thường xuyên, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi và trước khi ăn.

- Tránh đưa tay lên mặt: Không để trẻ đưa tay lên mắt, mũi, miệng hoặc đưa đồ chơi vào miệng.

- Sử dụng vật dụng cá nhân riêng: Tránh cho trẻ dùng chung vật dụng cá nhân với người khác.

- Rèn luyện thể dục: Khuyến khích trẻ tập thể dục thể thao mỗi ngày để tăng cường sức khỏe và đề kháng.

- Giữ môi trường sống sạch sẽ: Đảm bảo môi trường sống của trẻ luôn thông thoáng, tránh khói bụi và khói thuốc lá.

- Sử dụng khẩu trang: Cho trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh những nơi có dịch bệnh bùng phát và tiếp xúc với người có nguy cơ mắc bệnh.

- Tiêm phòng đầy đủ: Đảm bảo trẻ được tiêm đầy đủ và đúng lịch các mũi vacxin, như vacxin cúm, để bảo vệ sức khỏe.

CHĂM SÓC BỆNH VIÊM PHẾ QUẢN CẤP TÍNH Ở TRẺ

Bên cạnh việc tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, chăm sóc trẻ đúng cách có thể giúp tăng cường hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian mắc bệnh viêm phế quản cấp. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng trong việc chăm sóc trẻ:

- Bổ sung dinh dưỡng: Cung cấp cho trẻ chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, ưu tiên thức ăn mềm, dễ tiêu. Tăng cường rau xanh và trái cây giàu vitamin để nâng cao sức đề kháng và giúp bệnh nhanh khỏi.

- Nghỉ ngơi đầy đủ: Đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi nhiều hơn và ngủ đủ giấc để cơ thể hồi phục nhanh chóng.

- Giữ ấm đúng cách: Mặc quần áo thấm hút tốt, giữ ấm cho trẻ khi ra ngoài. Điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp, không quá nóng hoặc quá lạnh.

- Tạo độ ẩm: Sử dụng máy phun sương để duy trì độ ẩm phòng, giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn. Lưu ý vệ sinh máy phun sương sạch sẽ và khử khuẩn trước khi sử dụng; tránh để phòng bị ẩm mốc.

- Uống đủ nước: Khuyến khích trẻ uống đủ nước để bù đắp lượng nước mất do viêm phế quản cấp, hỗ trợ cải thiện triệu chứng.

- Vệ sinh mũi họng: Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng thường xuyên, giúp trẻ dễ thở hơn.

- Giảm tiếp xúc: Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người khác để tránh lây lan bệnh.

- Thăm khám kịp thời: Đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có các triệu chứng nặng hơn như sốt cao không giảm dù đã dùng thuốc hạ sốt, dấu hiệu mất nước, lừ đừ, hoặc khó thở.

Việc chăm sóc đúng cách không chỉ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình hồi phục. Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, liên hệ qua số hotline: 0915.045.115 hoặc truy cập website https://medicbinhduong.vn/ để được tư vấn.


(*) Xem thêm:

Bình luận