GÃY XƯƠNG DO LOÃNG XƯƠNG: BIẾN CHỨNG THẦM LẶNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI VÀ PHỤ NỮ SAU SINH

12/07/2025 | 19 |
0 Đánh giá

Gãy xương do loãng xương là một biến chứng nghiêm trọng, thường tiến triển âm thầm và khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Khi không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây ra các tổn thương tại những vị trí quan trọng như cổ xương đùi, đốt sống, cổ tay hoặc xương sườn.

Một số trường hợp gãy xương do loãng xương ở sản phụ sau sinh – nhóm đối tượng vốn ít được chú ý đến trong sàng lọc và phòng ngừa loãng xương.

NGUYÊN NHÂN VÀ YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY GÃY XƯƠNG DO LOÃNG XƯƠNG

Gãy xương do loãng xương là hậu quả của quá trình mất xương âm thầm kéo dài, thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh. Tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn khi có các yếu tố thúc đẩy như suy giảm nội tiết, thiếu dưỡng chất và té ngã.

1. Nguyên nhân gây loãng xương

Loãng xương xảy ra khi quá trình hủy xương diễn ra nhanh hơn quá trình tạo xương, dẫn đến giảm mật độ và độ bền của mô xương. Một số nguyên nhân phổ biến gồm:

  • Thiếu hụt nội tiết tố sinh dục: Đặc biệt là estrogen ở phụ nữ sau mãn kinh và testosterone ở nam giới lớn tuổi.
  • Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ: Thiếu canxi, vitamin D, protein… ảnh hưởng đến quá trình tạo xương.
  • Lối sống ít vận động: Không tập thể dục thường xuyên làm xương dễ yếu.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Như corticoid, thuốc chống động kinh, thuốc điều trị ung thư…
  • Một số bệnh lý mạn tính: Bệnh tuyến giáp, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh gan, thận mạn tính…

2. Yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ gãy xương

Không phải ai bị loãng xương cũng sẽ gãy xương. Tuy nhiên, nguy cơ gãy xương sẽ tăng cao nếu có các yếu tố sau:

  • Tuổi ≥ 65: Tuổi càng cao, mật độ xương càng giảm.
  • Giới tính nữ: Phụ nữ có nguy cơ loãng xương cao hơn nam giới do mất estrogen sau mãn kinh.
  • Chỉ số BMI thấp (< 18.5): Thể trạng gầy khiến xương dễ tổn thương hơn.
  • Tiền sử té ngã: Người từng té ngã hoặc có dáng đi không vững dễ bị gãy xương khi mất thăng bằng.
  • Tiền sử gãy xương: Đã từng bị gãy xương do chấn thương nhẹ hoặc không rõ nguyên nhân là dấu hiệu cảnh báo mật độ xương đã suy giảm nghiêm trọng.

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT GÃY XƯƠNG DO LOÃNG XƯƠNG

Gãy xương do loãng xương thường tiến triển âm thầm, không có biểu hiện rầm rộ nhưng lại dễ để lại hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo là chìa khóa để ngăn ngừa biến chứng.

1. Các triệu chứng thường gặp

Một số biểu hiện điển hình có thể gợi ý tình trạng gãy xương do loãng xương, bao gồm:

  • Đau lưng đột ngột, đặc biệt là vùng thắt lưng – dấu hiệu có thể liên quan đến gãy lún đốt sống.
  • Đau tăng lên khi vận động nhẹ như cúi người, đứng lâu hoặc mang vác vật nhẹ.
  • Gù lưng, giảm chiều cao theo thời gian – là dấu hiệu điển hình cho thấy xương cột sống đã bị tổn thương.
  • Đau vùng cổ tay hoặc hông sau cú ngã nhẹ – thường gặp ở người cao tuổi hoặc sản phụ, nghi ngờ gãy xương do xương giòn, yếu.

2. Khi nào cần đến khám bác sĩ?

Việc thăm khám sớm giúp phát hiện gãy xương tiềm ẩn và can thiệp kịp thời. Cần lưu ý đi khám nếu:

  • Đau lưng kéo dài trên 1 tuần, không cải thiện với thuốc giảm đau thông thường.
  • Đau xuất hiện sau cú ngã nhẹ, hoặc giảm chiều cao đột ngột.
  • Cảm giác tê yếu chi dưới, mất vững khi đi lại, đặc biệt nếu kèm đau cột sống.
  • Thuộc nhóm nguy cơ cao, gồm: phụ nữ sau mãn kinh, người dùng corticoid dài ngày, người từng bị gãy xương không do chấn thương mạnh.

Lưu ý: Tầm soát loãng xương định kỳ, đặc biệt ở người trên 50 tuổi và phụ nữ sau sinh, là bước quan trọng để phòng ngừa gãy xương và các di chứng lâu dài.

CÁC VỊ TRÍ GÃY XƯƠNG DO LOÃNG XƯƠNG THƯỜNG GẶP NHẤT

Gãy xương do loãng xương thường diễn tiến âm thầm và dễ bị bỏ qua, nhất là ở những đối tượng có mật độ xương thấp như người lớn tuổi, phụ nữ sau sinh hoặc phụ nữ sau mãn kinh. Dưới đây là những vị trí gãy xương phổ biến nhất:

1. Gãy lún đốt sống – thường gặp nhất

Gãy lún đốt sống là dạng gãy xương do loãng xương phổ biến nhất. Tình trạng này xảy ra khi thân đốt sống mất khả năng chịu lực, dẫn đến:

  • Đau lưng mạn tính, đặc biệt vùng thắt lưng hoặc ngực.
  • Giảm chiều cao rõ rệt.
  • Gù lưng, biến dạng cột sống.
  • Hạn chế vận động, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Nếu không được điều trị sớm, người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ biến dạng cột sống vĩnh viễn và suy giảm chức năng vận động.

2. Gãy cổ xương đùi – biến chứng nặng nề nhất

Gãy cổ xương đùi là biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc phụ nữ sau sinh bị suy giảm nội tiết và mật độ xương.

Chỉ cần chấn thương nhẹ hoặc té ngã cũng có thể gây gãy.Hậu quả nghiêm trọng: mất khả năng đi lại, thuyên tắc phổi, nhiễm trùng hoặc thậm chí tử vong nếu không được phẫu thuật kịp thời.

Đòi hỏi điều trị tích cực, phẫu thuật và phục hồi chức năng lâu dài.

3. Gãy xương cổ tay (gãy Colles) – ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày

Thường gặp khi người bệnh bị té và chống tay xuống đất, nhất là ở phụ nữ loãng xương sau sinh.

  • Gãy ở vùng đầu dưới xương quay (gần cổ tay).
  • Gây biến dạng bàn tay (bàn tay hình lưng dĩa), sưng đau, giảm khả năng cầm nắm.
  • Ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt thường ngày như bế con, làm việc nhà hoặc lao động nhẹ.

4. Các vị trí khác: xương sườn, xương chậu, xương cánh tay

Ngoài các vị trí phổ biến kể trên, gãy xương do loãng xương cũng có thể xảy ra ở các vùng ít được chú ý hơn:

  • Xương sườn: Có thể gãy do ho mạnh, rặn sinh hoặc xoay người khi sinh mổ.
  • Xương chậu: Dễ gãy do lực nén nhỏ hoặc va chạm nhẹ, thường bị nhầm với đau cơ xương khớp thông thường.
  • Xương cánh tay: Gãy sau khi ngã đập vai hoặc cánh tay xuống nền cứng.

Mặc dù ít gặp hơn, nhưng những vị trí gãy này vẫn có thể gây đau kéo dài, giảm chất lượng sống và tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được điều trị đúng cách.

CHẨN ĐOÁN GÃY XƯƠNG DO LOÃNG XƯƠNG

Việc chẩn đoán gãy xương do loãng xương đòi hỏi sự kết hợp giữa các phương pháp hình ảnh học và đánh giá mật độ xương, nhằm xác định chính xác vị trí gãy, mức độ tổn thương cũng như nguyên nhân tiềm ẩn từ tình trạng loãng xương.

1. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh

  • X-quang quy ước là công cụ đầu tiên được sử dụng để phát hiện gãy xương, đặc biệt tại các vị trí hay gặp như cột sống, cổ tay, khớp háng. Tuy nhiên, các tổn thương nhỏ hoặc gãy xẹp nhẹ đốt sống đôi khi khó quan sát trên phim thường.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI) có thể được chỉ định để:
  • Đánh giá chính xác tình trạng gãy lún đốt sống.
  • Phát hiện gãy sườn, tổn thương vi mô hoặc tổn thương phần mềm đi kèm mà X-quang không thể hiện rõ.
  • Loại trừ các nguyên nhân khác như di căn xương hoặc bệnh lý tủy sống.

2. Đo mật độ xương (DXA) – tiêu chuẩn vàng

Đo mật độ xương bằng phương pháp DXA (Dual-energy X-ray Absorptiometry) là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương. Phương pháp này giúp đánh giá mức độ mất xương ở các vị trí như cột sống thắt lưng, cổ xương đùi.

Chỉ số T-score:

  • T-score từ –1.0 đến –2.5: Bệnh nhân được xác định là thiếu xương (osteopenia).
  • T-score ≤ –2.5: Xác định tình trạng loãng xương.

Việc đo mật độ xương không chỉ hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân gãy xương mà còn giúp xây dựng kế hoạch điều trị lâu dài để ngăn ngừa gãy tái phát.

 

3. Đánh giá nguy cơ gãy xương – Dự phòng từ sớm

Công cụ FRAX (Fracture Risk Assessment Tool), được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, giúp ước tính nguy cơ gãy xương do loãng xương trong vòng 10 năm.

FRAX đánh giá dựa trên:

  • Tuổi, giới tính.
  • Chỉ số BMI.
  • Tiền sử gãy xương.
  • Mật độ xương vùng cổ xương đùi (nếu có).

Các yếu tố nguy cơ khác như: hút thuốc, sử dụng corticoid, tiền sử gia đình có gãy xương hông…

Việc sử dụng FRAX hỗ trợ bác sĩ trong việc cá nhân hóa điều trị và quyết định chỉ định thuốc chống loãng xương.

ĐIỀU TRỊ GÃY XƯƠNG DO LOÃNG XƯƠNG

Điều trị gãy xương do loãng xương không chỉ dừng lại ở việc cố định xương bị gãy mà còn bao gồm phục hồi chức năng, kiểm soát nguyên nhân gây loãng xương và phòng ngừa nguy cơ gãy tái phát. Một chiến lược toàn diện là cần thiết để đảm bảo phục hồi tối ưu và duy trì chất lượng sống lâu dài cho người bệnh.

1. Điều trị gãy xương cấp tính

Việc xử trí ban đầu phụ thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương xương:

Điều trị bảo tồn:

  • Áp dụng trong các trường hợp gãy nhẹ, bao gồm:
  • Nghỉ ngơi và hạn chế vận động.
  • Cố định chi hoặc vùng gãy bằng nẹp, áo chỉnh hình.
  • Sử dụng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs).
  • Bổ sung canxi và vitamin D theo chỉ định.

Phẫu thuật can thiệp:

Cần thiết khi:

  • Gãy cổ xương đùi gây mất khả năng vận động.
  • Gãy đốt sống có chèn ép thần kinh hoặc biến dạng nặng.
  • Các trường hợp không đáp ứng điều trị bảo tồn.

Do loãng xương làm chậm quá trình liền xương, bệnh nhân cần được theo dõi sát và duy trì chăm sóc hậu phẫu đầy đủ để tránh biến chứng như gãy lại, nhiễm trùng hay dính khớp.

2. Điều trị nguyên nhân loãng xương

Kiểm soát bệnh nền loãng xương là bước bắt buộc song song với điều trị gãy xương nhằm ngăn ngừa gãy mới trong tương lai:

  • Các nhóm thuốc chính hiện nay bao gồm:
  • Bisphosphonates (như alendronate, risedronate): ức chế quá trình hủy xương.
  • Denosumab: kháng thể đơn dòng làm giảm hủy xương, thường dùng cho người không dung nạp bisphosphonates.
  • Teriparatide: hormon cận giáp tổng hợp kích thích tạo xương mới, thường chỉ định cho trường hợp loãng xương nặng hoặc gãy tái phát.

Việc lựa chọn thuốc cần dựa trên mức độ loãng xương, tuổi, nguy cơ gãy xương và các bệnh lý nền kèm theo.

3. Phục hồi chức năng sau gãy xương

Phục hồi chức năng là yếu tố then chốt giúp bệnh nhân lấy lại vận động và phòng tránh té ngã – nguyên nhân trực tiếp gây gãy xương:

  • Vật lý trị liệu: tập trung vào phục hồi tầm vận động, tăng sức cơ vùng hông, cột sống và chi dưới.
  • Cải thiện thăng bằng: qua các bài tập phối hợp động tác, đi bộ có trợ giúp, tập đứng trên mặt phẳng không ổn định…
  • Hướng dẫn thay đổi lối sống:
  • Điều chỉnh môi trường sống để phòng ngừa té ngã (tay vịn, đèn đủ sáng…).
  • Tăng cường dinh dưỡng giàu canxi, vitamin D và protein.
  • Hạn chế sử dụng thuốc an thần hoặc thuốc gây chóng mặt.

BIẾN CHỨNG VÀ HẬU QUẢ CỦA GÃY XƯƠNG DO LOÃNG XƯƠNG

Gãy xương do loãng xương không chỉ gây đau đớn tạm thời mà còn tiềm ẩn nhiều hậu quả lâu dài và nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc phụ nữ sau sinh có mật độ xương thấp.

1. Suy giảm khả năng vận động

Gãy cổ xương đùi hoặc cột sống khiến người bệnh mất khả năng đi lại, khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày như đứng dậy, leo cầu thang, tự chăm sóc bản thân.

Nhiều trường hợp phải phụ thuộc hoàn toàn vào người thân hoặc thiết bị hỗ trợ.

2. Đau mạn tính và biến dạng cột sống

Gãy lún đốt sống gây đau lưng kéo dài, nhất là khi ngồi lâu hoặc thay đổi tư thế.

Biến dạng gù lưng, giảm chiều cao, ảnh hưởng thẩm mỹ và tư thế cơ thể, từ đó gây áp lực lên hệ cơ – thần kinh – hô hấp.

3. Nguy cơ tái gãy cao

Sau một lần gãy xương do loãng xương, nguy cơ gãy lại trong vòng 1 năm có thể lên tới 20% nếu không được điều trị tích cực và kiểm soát tốt mật độ xương.

Tái gãy thường xảy ra ở vị trí khác (cột sống, cổ tay, xương chậu…), làm tình trạng ngày càng nặng hơn.

4. Tăng nguy cơ tử vong

Gãy xương lớn như cổ xương đùi ở người cao tuổi đi kèm các biến chứng sau phẫu thuật như:

Viêm phổi do nằm lâu.

Thuyên tắc phổi, nhiễm trùng, suy tim.

Suy kiệt thể trạng và mất khả năng hồi phục.

Theo thống kê, tỷ lệ tử vong trong năm đầu sau gãy cổ xương đùi có thể lên đến 20–30% nếu không được điều trị đúng và kịp thời.

5. Giảm chất lượng sống và rối loạn tâm lý

Đau kéo dài, mất độc lập, giảm khả năng giao tiếp xã hội khiến người bệnh dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu, đặc biệt là người cao tuổi sống một mình.

Cảm giác sợ hãi gãy lại khiến bệnh nhân ngại vận động, từ đó càng làm giảm mật độ xương và tăng nguy cơ biến chứng.

PHÒNG NGỪA GÃY XƯƠNG DO LOÃNG XƯƠNG

Phòng ngừa là chiến lược then chốt nhằm giảm thiểu nguy cơ gãy xương do loãng xương – một biến chứng có thể gây suy giảm vận động nghiêm trọng, đặc biệt ở người cao tuổi và phụ nữ sau sinh. Can thiệp sớm và đúng cách giúp bảo vệ cấu trúc xương và duy trì chất lượng sống lâu dài.

1. Tầm soát và kiểm tra định kỳ

Đo mật độ xương (DXA) là phương pháp tiêu chuẩn giúp phát hiện sớm tình trạng loãng xương, đặc biệt khuyến cáo thực hiện ở:

  • Phụ nữ trên 50 tuổi.
  • Người có yếu tố nguy cơ như tiền sử gãy xương, dùng corticoid kéo dài, gầy yếu, mãn kinh sớm...

Lợi ích của tầm soát sớm:

  • Phát hiện loãng xương từ giai đoạn chưa có triệu chứng.
  • Cho phép bắt đầu điều trị bằng các thuốc chuyên biệt như bisphosphonates, denosumab, từ đó:
  • Giảm từ 30–70% nguy cơ gãy xương trong vòng 10 năm.
  • Ngăn ngừa gãy tái phát ở người từng gãy xương do loãng xương.

2. Duy trì lối sống và dinh dưỡng lành mạnh

Một chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò nền tảng trong việc bảo vệ hệ xương chắc khỏe:

Dinh dưỡng đầy đủ:

  • Bổ sung canxi (1000–1200mg/ngày) từ thực phẩm hoặc viên uống.
  • Cung cấp vitamin D (800–1000 IU/ngày) giúp tăng hấp thu canxi.
  • Đảm bảo khẩu phần giàu protein để hỗ trợ quá trình tạo xương.

Hoạt động thể chất đều đặn:

  • Các bài tập chịu trọng lực như đi bộ, leo cầu thang, tập tạ nhẹ, yoga giúp kích thích tạo xương, cải thiện thăng bằng và giảm nguy cơ té ngã.
  • Tránh các yếu tố nguy cơ:
  • Ngưng hút thuốc, hạn chế rượu bia – vì đây là những yếu tố thúc đẩy mất xương nhanh.
  • Duy trì cân nặng hợp lý (BMI ≥ 18,5) để tránh suy dinh dưỡng và giảm tải cho hệ xương khớp.

Gãy xương do loãng xương thường được xem là vấn đề của người lớn tuổi, tuy nhiên, thực tế lâm sàng cho thấy tình trạng này vẫn có thể xuất hiện ở phụ nữ sau sinh – đặc biệt trong bối cảnh thiếu hụt vi chất và tác động cơ học trong quá trình mang thai hoặc chuyển dạ. Liên hệ trực tiếp qua số hotline 0915.045.115 hoặc truy cập trang web https://medicbinhduong.vn/ để được tư vấn.


(*) Xem thêm:

Bình luận