NÃO ÚNG THỦY Ở TRẺ SƠ SINH: DẤU HIỆU, NGUYÊN NHÂN, BIẾN CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

24/09/2024 | 176 |
0 Đánh giá

Não úng thủy ở trẻ sơ sinh là một căn bệnh nguy hiểm, khó phát hiện và điều trị. Bệnh có thể xuất hiện vào bất kỳ giai đoạn nào, thậm chí khi bé vẫn còn trong bụng mẹ.

NÃO ÚNG THỦY Ở TRẺ SƠ SINH LÀ GÌ?

Não úng thủy ở trẻ sơ sinh là tình trạng khi dịch não tủy (CSF) tích tụ quá mức, tạo áp lực lên não, làm cho não và hộp sọ của trẻ phình to. Dịch não tủy là một chất lỏng trong suốt, được tiết ra bởi các đám rối màng đệm trong hệ thống não thất. Chất lỏng này di chuyển từ não thất đến các bộ phận khác của hệ thần kinh, bao quanh não và tủy sống, đảm nhận vai trò cung cấp dưỡng chất, điều hòa áp suất trong não, và bảo vệ hệ thần kinh trung ương khỏi những tác động vật lý.

NGUYÊN NHÂN TRẺ SƠ SINH BỊ NÃO ÚNG THỦY

Nguyên nhân gây não úng thủy ở trẻ sơ sinh được chia theo thời điểm phát bệnh, trong đó bao gồm:

1. Não úng thủy bẩm sinh

Đây là tình trạng mà trẻ mắc bệnh ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Một số trường hợp trẻ sơ sinh không có dấu hiệu rõ ràng lúc mới chào đời, nhưng bệnh có thể phát triển sau một thời gian hoặc thậm chí khi trẻ đã trưởng thành. Những trường hợp này vẫn được xem là não úng thủy bẩm sinh.

Não úng thủy bẩm sinh có thể do sự bất thường về di truyền hoặc do tương tác phức tạp giữa yếu tố di truyền và môi trường trong quá trình phát triển của thai nhi.

Một số nguyên nhân cụ thể của não úng thủy bẩm sinh bao gồm:

  • Giãn não thất (Ventriculomegaly): Một dị tật thai nhi khiến kích thước của não thất lớn hơn bình thường, làm rối loạn dòng chảy của dịch não tủy, gây ra tình trạng não úng thủy.
  • Hẹp cống não: Khi các ống thông giữa các phần của não thất bị hẹp, dịch não tủy không thể lưu thông bình thường, dẫn đến ứ đọng và não úng thủy.
  • Nang màng nhện: Lớp màng nhện bao phủ bề mặt não có các túi nang chứa dịch não tủy. Khi nang màng nhện phát triển bất thường, nó có thể làm thay đổi áp lực và dòng chảy của dịch não tủy.
  • Nứt đốt sống: Một dị tật bẩm sinh liên quan đến ống thần kinh, khi cột sống của trẻ bị hở khiến tủy sống và hệ thần kinh phát triển không bình thường, dẫn đến não úng thủy.
  • Nhiễm trùng trong thai kỳ: Nếu mẹ bị nhiễm trùng nghiêm trọng trong thai kỳ, đặc biệt là các bệnh như sởi, rubella, hoặc quai bị, trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc não úng thủy.

2. Não úng thủy sau sinh (não úng thủy mắc phải)

Não úng thủy sau sinh xảy ra ở trẻ ban đầu hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng sau đó mắc phải các chấn thương hoặc nhiễm trùng dẫn đến ứ đọng dịch não tủy. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Xuất huyết não thất: Tình trạng chảy máu trong não khiến máu chảy vào não thất và hòa trộn với dịch não tủy, làm tăng áp suất. Hiện tượng này thường xảy ra ở trẻ sinh non và rất hiếm gặp ở trẻ đủ tháng.
  • Chấn thương đầu: Chấn thương vùng đầu có thể gây xuất huyết não thất hoặc phù nề mô não, dẫn đến tình trạng tràn dịch não và gây não úng thủy.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng hệ thần kinh, chẳng hạn như viêm màng não hoặc viêm các đám rối mạch, có thể gây tắc nghẽn các nút mạch, làm giảm khả năng hấp thu hoặc làm tăng tiết dịch não tủy.
  • Hấp thu dịch não tủy kém: Do các khuyết tật hoặc tổn thương trong não thất, dòng chảy của dịch não tủy không được hấp thu hiệu quả, gây ra sự ứ đọng dịch trong não.
  • Dòng chảy dịch não tủy bị cản trở: Dịch não tủy di chuyển qua các tâm thất, nhưng khi dòng máu không thể hấp thu lượng dịch dư thừa do các khuyết tật trong não thất, dịch não tủy sẽ bị ứ đọng và gây ra não úng thủy.

DẤU HIỆU NÃO ÚNG THỦY Ở TRẺ SƠ SINH

Não úng thủy là một tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi lượng dịch não tủy tích tụ bất thường trong não, gây áp lực lên não bộ và làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu có thể giúp điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nặng. Dưới đây là những triệu chứng phổ biến của trẻ bị não úng thủy:

  • Đầu trẻ sưng to bất thường: Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất, khi kích thước đầu của trẻ to lên không cân đối với cơ thể.
  • Thóp đầu căng phồng: Thóp trước và sau của trẻ trở nên căng mềm khi sờ vào.
  • Da đầu mỏng, sáng bóng: Tĩnh mạch nổi rõ dưới lớp da.
  • Tách xương sọ: Các đường nối xương sọ xuất hiện vết nứt, xương tách rời.
  • Mắt nhìn lệch xuống: Bé khó di chuyển mắt và luôn nhìn xuống.
  • Chán ăn, bỏ bú, nôn mửa.
  • Khó chịu, kích động, động kinh.
  • Mệt mỏi, đau đầu, thị lực kém.
  • Trẻ khó giữ thăng bằng, tay chân kém linh hoạt.
  • Chậm phát triển ngôn ngữ, đi lại và phối hợp.
  • Khó tập trung, ghi nhớ kém, ngủ sâu và khó đánh thức.

CÁC BIẾN CHỨNG NÃO ÚNG THỦY Ở TRẺ SƠ SINH

Trẻ sơ sinh bị não úng thủy cần được phát hiện và điều trị kịp thời để ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng, khó điều trị, có thể ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của trẻ. Một số biến chứng có thể gặp phải bao gồm:

  • Động kinh: Gây ra các cơn co giật nghiêm trọng.
  • Suy giảm thị lực: Ảnh hưởng đến khả năng nhìn của trẻ.
  • Bại não: Khó khăn trong việc kiểm soát vận động và tư thế.
  • Nứt đốt sống: Liên quan đến các dị tật ở cột sống.
  • Dị dạng Chiari: Sự phát triển bất thường của não bộ.
  • Chậm phát triển: Trẻ có thể không đạt được các cột mốc phát triển cần thiết.
  • Khó khăn khi nói, nhai, nuốt: Gây ảnh hưởng đến khả năng ăn uống và giao tiếp.

Ngoài ra, ngay cả khi đã được điều trị, trẻ vẫn có thể gặp phải các biến chứng liên quan đến phương pháp điều trị, đe dọa sức khỏe như nhiễm trùng, tổn thương não, thậm chí là tử vong. Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

CÁCH PHÒNG TRÁNH NÃO ÚNG THỦY Ở TRẺ SƠ SINH

Với sự phát triển của các kỹ thuật tầm soát dị tật thai nhi, bệnh não úng thủy có thể được phát hiện ngay cả khi bé chưa chào đời. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có phương pháp hiệu quả nào để phòng ngừa hoàn toàn tình trạng này. Mặc dù vậy, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau để giảm thiểu rủi ro làm tăng nguy cơ ứ đọng dịch não tủy ở trẻ:

  • Theo dõi thai nhi định kỳ: Trong quá trình mang thai, mẹ nên đảm bảo thăm khám định kỳ đầy đủ và đúng lịch để theo dõi sự phát triển của bé. Điều này giúp bác sĩ phát hiện sớm các bất thường, từ đó có thể áp dụng phương pháp điều trị kịp thời, tăng cường cơ hội sống cho bé.
  • Tiêm phòng trong thai kỳ: Mẹ bầu có thể cần tiêm một số loại vacxin quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé, đồng thời giảm thiểu nguy cơ xảy ra các biến chứng thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại vacxin cần thiết.
  • Tiêm phòng cho bé: Trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non và cực non, thường có sức khỏe và hệ miễn dịch yếu, dễ mắc phải các bệnh do vi khuẩn, virus, trong đó có các bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến não. Phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ và thực hiện theo chỉ định tiêm phòng cho trẻ.

  • Chọn đơn vị Sơ sinh có hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn tốt: Não úng thủy có thể xảy ra do biến chứng sinh non khi điều kiện chăm sóc sau sinh không đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn. Vì vậy, phụ huynh nên lựa chọn các đơn vị Sơ sinh có hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn hiệu quả để tránh tình trạng nhiễm trùng ở trẻ.
  • Bảo vệ đầu cho bé: Một trong những nguyên nhân gây não úng thủy là chấn thương vùng đầu. Do đó, bố mẹ cần loại bỏ các vật thể không an toàn có thể gây chấn thương cho trẻ trong quá trình vui chơi, tập đi, hoặc tập bò. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần theo dõi các hoạt động của bé để tránh những tai nạn không mong muốn.

Bệnh não úng thủy ở trẻ sơ sinh có thể ảnh hưởng suốt đời. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả có thể giúp trẻ tránh được những biến chứng nghiêm trọng, từ đó phát triển và sinh hoạt bình thường với ít hạn chế. Vì vậy, bố mẹ nên đảm bảo cho bé đi khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc trẻ một cách cẩn thận và chú ý đến những biểu hiện bất thường để theo dõi và bảo vệ sức khỏe của bé. Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, liên hệ qua số hotline: 0915.045.115 hoặc truy cập website https://medicbinhduong.vn/ để được tư vấn.


(*) Xem thêm:

Bình luận