HEN PHẾ QUẢN CẤP Ở TRẺ EM: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU CẢNH BÁO & CÁCH XỬ TRÍ KỊP THỜI

30/05/2025 | 81 |
0 Đánh giá

Hen phế quản cấp ở trẻ em là một trong những bệnh lý hô hấp thường gặp, gây ra những cơn khó thở đột ngột, ho kéo dài và thở khò khè, khiến trẻ mệt mỏi, quấy khóc và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến hen phế quản cấp? Làm sao để nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo? Và cha mẹ cần làm gì để xử trí hiệu quả cũng như phòng ngừa bệnh tái phát?

HEN PHẾ QUẢN CẤP Ở TRẺ EM LÀ GÌ?

Hen phế quản cấp ở trẻ em là tình trạng viêm và co thắt đường thở xảy ra đột ngột, khiến trẻ gặp khó khăn trong việc hít thở, ho liên tục, thở khò khè và có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời. Đây là một thể cấp tính của bệnh hen suyễn, thường khởi phát do các yếu tố kích thích như thay đổi thời tiết, bụi bẩn, phấn hoa, khói thuốc lá hoặc các đợt nhiễm trùng đường hô hấp. Theo các chuyên gia y tế, cơn hen cấp có thể làm giảm nhanh chóng lượng oxy cung cấp cho phổi và toàn cơ thể, gây suy hô hấp và đe dọa đến tính mạng của trẻ.

MỨC ĐỘ CƠN HEN PHẾ QUẢN CẤP Ở TRẺ EM

Cơn hen phế quản cấp ở trẻ em có thể diễn tiến theo nhiều mức độ, từ nhẹ đến nguy kịch. Việc phân loại đúng mức độ dựa trên triệu chứng lâm sàng giúp cha mẹ chủ động xử trí kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm.

1. Cơn hen nhẹ

Ở mức độ này, trẻ vẫn tỉnh táo, nói chuyện bình thường, chỉ xuất hiện các dấu hiệu như ho, thở khò khè nhẹ và khó thở không đáng kể. Nhịp thở tăng nhẹ nhưng chưa có dấu hiệu tím tái. Trong trường hợp này, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thuốc giãn phế quản dạng hít theo chỉ định của bác sĩ và theo dõi tại nhà.

2. Cơn hen trung bình

Trẻ bắt đầu có biểu hiện thở nhanh, khó thở rõ rệt, chỉ nói được từng câu ngắn, kèm theo cảm giác mệt mỏi. Có hiện tượng rút lõm nhẹ lồng ngực khi hít vào, nghe rõ tiếng rít khi thở. Khi gặp tình trạng này, cần cho trẻ dùng thuốc giãn phế quản ngay và đưa đến cơ sở y tế nếu triệu chứng không cải thiện sau 20 phút.

3. Cơn hen nặng

Trẻ rất khó thở, không thể nói tròn câu, lồng ngực rút lõm rõ rệt, môi và đầu ngón tay có dấu hiệu tím tái. Nhịp thở nhanh, có thể kèm tiếng thở rít. Trẻ mệt lả, hoảng loạn hoặc bắt đầu lơ mơ. Đây là tình trạng nghiêm trọng, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

4. Cơn hen nguy kịch

Trẻ gần như không còn khả năng thở, môi tím tái nặng, lồng ngực gần như không di động. Trẻ lơ mơ, thậm chí có thể mất ý thức. Đây là tình huống cấp cứu khẩn cấp, cần gọi xe cấp cứu ngay và hỗ trợ hô hấp nếu có kỹ năng, chờ nhân viên y tế đến can thiệp.

NGUYÊN NHÂN GÂY HEN PHế QUẢN CẤP Ở TRẺ EM

1. Tiếp xúc với tác nhân kích thích từ môi trường:

  • Phấn hoa, lông thú nuôi, mạt bụi nhà, nấm mốc.
  • Khói thuốc lá, khói bếp, khói xe, hóa chất tẩy rửa.
  • Không khí lạnh, độ ẩm cao, thời tiết thay đổi đột ngột.
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp: cảm cúm, viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản.

2. Cơ địa dị ứng và yếu tố di truyền:

  • Trẻ có cha mẹ hoặc người thân mắc hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa.
  • Trẻ bị dị ứng thực phẩm: sữa, trứng, đậu phộng, hải sản…
  • Hệ miễn dịch nhạy cảm, dễ phản ứng với các dị nguyên.

3. Nhiễm trùng đường hô hấp:

  • Cảm lạnh, cúm, viêm phổi, viêm phế quản gây kích thích đường thở.
  • Viêm tai giữa, viêm xoang làm tăng nguy cơ bùng phát cơn hen.
  • Hệ miễn dịch bị suy yếu do bệnh lý nền hoặc chưa được tiêm phòng đầy đủ.

4. Hoạt động thể chất quá mức:

  • Tập luyện cường độ cao hoặc vui chơi quá sức khiến trẻ thở nhanh, mất cân bằng thông khí.
  • Vận động trong môi trường ô nhiễm hoặc lạnh dễ khởi phát cơn hen.
  • Không khởi động kỹ trước khi tập luyện.

5. Căng thẳng, stress tâm lý:

  • Lo lắng, sợ hãi, áp lực học hành, xa cách cha mẹ.
  • Môi trường sống thiếu ổn định, ít được quan tâm chăm sóc tinh thần.
  • Tâm lý bất ổn làm tăng nguy cơ co thắt phế quản.

TRIỆU CHỨNG HEN PHẾ QUẢN CẤP Ở TRẺ EM

Triệu chứng hen phế quản cấp tính ở trẻ thường xuất hiện đột ngột và diễn tiến nhanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hô hấp. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu sẽ giúp cha mẹ xử trí kịp thời và hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Một trong những biểu hiện điển hình là khó thở, thở khò khè. Trẻ có thể thở nhanh, gắng sức, kèm theo hiện tượng rút lõm lồng ngực khi hít vào. Cha mẹ dễ dàng nghe thấy tiếng thở rít hoặc khò khè, đặc biệt là khi thở ra. Trong các trường hợp nặng, trẻ có thể thở rất nhanh, không thể nói trọn câu và xuất hiện dấu hiệu tím tái môi, đầu ngón tay, kèm theo trạng thái hoảng sợ, bám víu người lớn do cảm giác khó thở dữ dội.

Ho nhiều, ho dai dẳng cũng là triệu chứng phổ biến, thường xảy ra vào ban đêm hoặc sáng sớm. Cơn ho có thể đi kèm với đờm nhưng thường ít và dính. Tần suất ho tăng rõ rệt khi trẻ tiếp xúc với khói bụi, không khí lạnh hoặc sau vận động. Trường hợp nặng, trẻ có thể ho liên tục, không dứt, kèm theo khó thở nhiều hơn.

Ngoài ra, trẻ còn có thể biểu hiện cảm giác tức ngực, khó chịu, thường thấy ở trẻ lớn qua lời than đau, còn trẻ nhỏ sẽ quấy khóc do không thể diễn đạt cảm giác. Khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, trẻ có thể trở nên lờ đờ, mệt lả do thiếu oxy cung cấp cho cơ thể.

Cuối cùng, một số triệu chứng toàn thân khác cũng cần lưu ý như môi và đầu ngón tay tím tái, trẻ bứt rứt, lo lắng hoặc ngược lại là thờ ơ, ít phản ứng. Ở một số trường hợp, cơn hen có thể kèm theo sốt nhẹ nếu nguyên nhân khởi phát là do nhiễm trùng đường hô hấp.

BIẾN CHỨNG HEN PHẾ QUẢN CẤP Ở TRẺ EM

Hen phế quản cấp ở trẻ nếu không được kiểm soát kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng.

  • Trong đó, suy hô hấp cấp là biến chứng nguy hiểm nhất, xảy ra khi đường thở bị co thắt nghiêm trọng khiến phổi không thể trao đổi oxy hiệu quả. Trẻ có thể tím tái, lờ đờ, thậm chí hôn mê nếu không được cấp cứu kịp thời.
  • Bên cạnh đó, xẹp phổi cũng là biến chứng đáng lo ngại, xảy ra khi phế quản bị tắc nghẽn bởi đờm hoặc co thắt quá mức, khiến trẻ thở nông, khó thở nhiều. Một biến chứng khác cần đặc biệt lưu ý là tràn khí màng phổi, gây đau ngực dữ dội và khó thở đột ngột do khí rò rỉ vào khoang màng phổi.
  • Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ mắc nhiễm trùng hô hấp nặng như viêm phổi, viêm phế quản với biểu hiện sốt cao, ho nhiều, đờm đặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hằng ngày.
  • Đặc biệt, việc sử dụng thuốc điều trị sai cách như lạm dụng thuốc giãn phế quản hoặc corticoid kéo dài mà không có chỉ định rõ ràng có thể gây tim đập nhanh, run tay, suy giảm miễn dịch hoặc nhiễm nấm miệng.

Vì vậy, cha mẹ cần tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị từ bác sĩ và theo dõi sát sao các phản ứng bất thường của trẻ trong quá trình dùng thuốc.

CHĂM SÓC TRẺ BỊ HEN PHẾ QUẢN CẤP

Hen phế quản cấp tính ở trẻ là tình trạng nguy hiểm, cần được chăm sóc và xử trí đúng cách để tránh biến chứng nghiêm trọng. Khi trẻ lên cơn hen, cha mẹ cần bình tĩnh, đưa trẻ ra khỏi môi trường có yếu tố kích thích như khói thuốc, bụi bẩn, lông động vật và đặt trẻ ngồi thẳng để dễ thở. Thuốc giãn phế quản dạng xịt hoặc hít phải được sử dụng đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời theo dõi tình trạng hô hấp trong 15–20 phút sau khi dùng thuốc. Nếu trẻ không cải thiện hoặc có dấu hiệu nặng như tím tái, co rút lồng ngực, cần đưa đi cấp cứu ngay. Việc sử dụng thuốc dự phòng dài hạn đúng liều, đúng kỹ thuật cũng đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát bệnh. Trẻ dùng corticoid dạng hít nên được hướng dẫn súc miệng sau khi dùng để tránh nhiễm nấm miệng. Ngoài ra, cha mẹ cần đưa trẻ tái khám định kỳ, ghi nhận các yếu tố kích hoạt cơn hen và điều chỉnh phác đồ điều trị nếu cần. Với trẻ lớn, việc hướng dẫn nhận biết sớm triệu chứng cơn hen và cách xử trí tại chỗ sẽ giúp trẻ chủ động hơn trong kiểm soát bệnh. Đồng thời, người chăm sóc, thầy cô giáo cũng cần được trang bị kiến thức để kịp thời hỗ trợ trẻ khi lên cơn hen tại nhà hoặc ở trường học.

PHÒNG NGỪA HEN PHẾ QUẢN CẤP Ở TRẺ EM

Để giúp trẻ kiểm soát tốt bệnh hen và hạn chế các cơn hen cấp tính, cha mẹ cần lưu ý những biện pháp sau:

Hạn chế tiếp xúc với tác nhân kích thích:

  • Tránh khói thuốc, bụi bẩn, lông động vật, phấn hoa, hóa chất có mùi nồng.
  • Giữ nhà cửa, chăn ga gối đệm luôn sạch sẽ.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với thú cưng hoặc nước hoa, xịt phòng.

Giữ ấm cơ thể và bảo vệ trẻ khi thời tiết thay đổi:

  • Mặc ấm khi trời lạnh, đặc biệt là vùng cổ, ngực và mũi họng.
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài trời lạnh hoặc ô nhiễm.
  • Duy trì độ ẩm không khí trong phòng nếu trời quá khô.

Dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng:

  • Tăng cường rau xanh, trái cây, cá béo (cá hồi, cá thu), sữa và hạt dinh dưỡng.
  • Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, chiên rán, và các món dễ gây dị ứng như hải sản, đậu phộng, trứng (nếu trẻ có cơ địa dị ứng).

Tiêm phòng đầy đủ:

  • Đảm bảo trẻ được tiêm đủ các loại vắc-xin: cúm, phế cầu, ho gà.
  • Giúp phòng ngừa nhiễm trùng hô hấp – yếu tố làm nặng thêm cơn hen.

Rèn luyện thể chất phù hợp:

  • Khuyến khích các môn như bơi lội, đi bộ, yoga – tốt cho chức năng hô hấp.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ vận động nếu có tiền sử hen khi gắng sức.
  • Có thể dùng thuốc giãn phế quản dự phòng trước khi tập theo hướng dẫn bác sĩ.

Hen phế quản cấp ở trẻ em là một bệnh lý nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Việc nhận biết các nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí kịp thời sẽ giúp hạn chế tối đa biến chứng, bảo vệ sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Liên hệ trực tiếp qua số hotline 0915.045.115 hoặc truy cập trang web https://medicbinhduong.vn/ để được tư vấn.


(*) Xem thêm:

Bình luận